Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại thành phố Cupertino phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, nơi bị ông Trump áp thuế ngày càng gia tăng thời gian qua trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai. Tổng mức thuế hiện tại của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc đã lên đến 145%. Để đáp trả, Trung Quốc vừa tuyên bố nâng thuế với hàng hóa Mỹ từ 84% lên 125%.
Dù tình hình thương mại của Mỹ trông có vẻ tươi sáng hơn với phần lớn các nước trên thế giới, các chuyên gia cho rằng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc là biến số quan trọng nhất với Apple.
“Apple có thể sẽ bị tụt lại nhiều năm vì các mức thuế này”, Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu công nghệ toàn cầu tại hãng Wedbush Securities, nói với hãng tin CNBC. Ông ví von rằng Apple “như bị lật thuyền giữa đại dương mà không có phao cứu sinh”.
Apple đã cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng theo dữ liệu từ Omdia, trong số 77 triệu chiếc iPhone mà công ty xuất khẩu sang Mỹ năm ngoái, gần 80% đến từ Trung Quốc.
Hãng nghiên cứu công nghệ Omdia ước tính rằng, với mức thuế hiện tại, Apple có thể buộc phải tăng giá iPhone nhập từ Trung Quốc sang Mỹ lên khoảng 85% nếu muốn duy trì biên lợi nhuận.
“Khi mức thuế ban đầu với hàng hóa Trung Quốc là 54%, tác động là nghiêm trọng nhưng vẫn có thể kiểm soát được… Nhưng với mức thuế hiện tại, nếu Apple tăng giá để bù thuế thì sẽ không khả thi về tài chính (chẳng hạn người tiêu dùng sẽ không mua iPhone nữa vì giá quá cao - PV)”, Le Xuan Chiew, Giám đốc nghiên cứu tại Omdia, nhận định.
Người dân mua sắm iPhone tại cửa hàng Apple ở New York, Mỹ vào ngày 4.4 - Ảnh: Getty Images
Một số lựa chọn
Theo hãng tin Reuters và The Times of India, Apple đã vận chuyển khoảng 600 tấn iPhone, tương đương 1,5 triệu chiếc, từ Ấn Độ sang Mỹ trước khi mức thuế mới của ông Trump có hiệu lực.
Khoảng 6 chuyến bay chở hàng, mỗi chiếc có sức chứa 100 tấn, đã cất cánh kể từ tháng 3, trong đó có một chuyến tuần này, đúng thời điểm các mức thuế mới đáng ra bắt đầu có hiệu lực trước khi ông Trump hoãn trong 90 ngày, nguồn tin và một quan chức chính phủ Ấn Độ xác nhận.
Theo số liệu đo lường của Reuters, trọng lượng đóng gói một chiếc iPhone 14 kèm cáp sạc vào khoảng 350 gram, cho thấy tổng hàng hóa 600 tấn tương đương khoảng 1,5 triệu chiếc iPhone, sau khi đã tính thêm phần trọng lượng bao bì.
Apple cùng hai đối tác sản xuất iPhone là Foxconn (Đài Loan) và Tata Group (Ấn Độ) không phản hồi câu hỏi tìm bình luận từ CNBC.
Le Xuan Chiew cho biết, dù thông tin này chưa Apple được xác nhận, nhưng việc tích trữ iPhone sẽ là giải pháp tốt nhất để công ty nhanh chóng giảm bớt tác động từ thuế và kéo dài thêm thời gian chuẩn bị. Song không rõ lượng iPhone tích trữ có thể đáp ứng nhu cầu được bao lâu, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng mua smartphone Apple nhiều hơn do lo ngại giá tăng, Le Xuan Chiew nói thêm.
Theo Omdia, chiến lược trung hạn của Apple là giảm thiểu rủi ro từ địa chính trị và các chính sách thuế. Có vẻ hãng đang tập trung tăng sản lượng và xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ.
Apple đã nhanh chóng mở rộng hoạt động tại Ấn Độ sau khi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID-19 làm tê liệt sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hồi cuối năm 2022. Động thái đa dạng hóa này phù hợp với tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong việc biến đất nước thành một trung tâm sản xuất.
Hai đối tác sản xuất iPhone chính của Apple tại Ấn Độ là Foxconn và Tata Group, hiện có ba nhà máy đang hoạt động, với hai nhà máy nữa đang được xây dựng. Tập đoàn Tata Group đã mua lại nhà máy của Wistron Corp và Pegatron Corp (đều của Đài Loan) tại quốc gia Nam Á này.
Các khoản trợ cấp của Ấn Độ đã hỗ trợ Foxconn và đơn vị sản xuất điện tử của Tata Group rộng quy mô lắp ráp iPhone tại địa phương.
Mức thuế 145% của Mỹ với Trung Quốc có thể thúc đẩy Apple chuyển nhiều hơn hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.
Việc ông Trump hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày có thể giúp mức thuế với hàng hóa từ Ấn Độ giữ ở 10%, ít nhất là trong thời gian hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống sản xuất iPhone tại Ấn Độ là quá trình kéo dài nhiều năm. Các đối tác của Apple tại Ấn Độ mới chỉ bắt đầu sản xuất mẫu iPhone cao cấp như Pro và Pro Max vào năm ngoái.
Hiện tại, khoảng 4/5 lượng iPhone của Apple vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc, bất chấp nỗ lực chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ.
Theo Le Xuan Chiew, việc tăng sản lượng iPhone ở Ấn Độ đủ để đáp ứng nhu cầu có thể cần ít nhất một đến hai năm và cũng không tránh khỏi các rủi ro về thuế.
Apple đã xuất khẩu số iPhone trị giá hơn 1.500 tỉ rupee (tương đương 17,4 tỉ USD) từ Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, theo Ashwini Vaishnaw - Bộ trưởng Công nghệ của nước này.
Kiến nghị ông Trump miễn trừ thuế?
Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng lựa chọn tốt nhất của Apple là kiến nghị ông Trump miễn trừ thuế với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc trong lúc hãng tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa.
Trước đây, Apple từng nhận được một số miễn trừ như vậy dưới thời chính quyền Trump đầu tiên và một số nhà phân tích tin rằng điều này có thể xảy ra một lần nữa.
“Tôi vẫn thấy có tiềm năng được giảm bớt thuế nếu xét đến cam kết chi 500 tỉ USD của Apple với Mỹ. Dù điều này chưa được thảo luận nhiều, tôi lạc quan rằng các công ty cam kết mở rộng đầu tư tại Mỹ có thể nhận được một số hình thức hỗ trợ khi các cuộc đàm phán tiến triển”, Daniel Newman, Giám đốc điều hành The Futurum Group, nhận định.
The Futurum Group là công ty nghiên cứu và tư vấn chuyên về công nghệ, tập trung vào việc phân tích các xu hướng đổi mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện toán đám mây, AI, dữ liệu lớn, mạng viễn thông và chuyển đổi số.
Vào tháng 2, Apple từng tuyên bố sẽ đầu tư 500 tỉ USD vào Mỹ và tạo ra 20.000 việc làm. Tuy nhiên, Tổng thống Trump từng nhấn mạnh rằng ông tin Apple hoàn toàn có thể sản xuất iPhone tại Mỹ, dù các nhà phân tích nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch đó. Chuyên gia Dan Ives dự đoán, nếu iPhone được sản xuất tại Mỹ thay vì Trung Quốc, giá mỗi chiếc có thể lên đến 3.500 USD, thay vì mức 1.000 USD hiện nay.
Trong khi đó, các nhà phân tích khác cho rằng ngay cả khi có thỏa thuận thương mại hoặc miễn trừ thuế, Apple cũng khó tránh khỏi các tác động tiêu cực về kinh doanh.
“Giả sử có một sự ‘tan băng’ nào đó, chẳng hạn việc nới lỏng thuế đối ứng nhắm vào Trung Quốc, hoặc một đặc quyền miễn trừ dành riêng cho Apple thì điều đó cũng vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Ngay cả mức thuế cơ bản 10% cũng là một thách thức rất lớn với Apple”, theo ông Craig Moffett - đồng sáng lập và nhà phân tích cao cấp tại MoffettNathanson.
MoffettNathanson là công ty nghiên cứu chứng khoán độc lập có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), chuyên cung cấp các phân tích chuyên sâu về lĩnh vực truyền thông, viễn thông và công nghệ. Được thành lập vào năm 2013 bởi các chuyên gia tài chính hàng đầu như Craig Moffett và Michael Nathanson, MoffettNathanson nhanh chóng trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu uy tín nhất trên Phố Wall trong lĩnh vực này.
Sơn Vân