Chính sách thuế quan mới đặc biệt ảnh hưởng đến Apple, khiến cổ phiếu công ty giảm 7,9% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 2/4. Theo đó, thuế đối ứng áp lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc là 34%, cộng thêm mức thuế 20% công bố trước đó, nâng tổng mức thuế lên 54%.
Thuế đối ứng của ông Trump tác động ra sao đến Samsung, Intel tại Việt Nam?Chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Intel.
Chuỗi cung ứng Apple lệ thuộc vào đại lục. Nhưng chưa dừng lại ở đây, các trung tâm sản xuất khác của Apple cũng bị đánh thuế đối ứng, bao gồm Ấn Độ (26%), Việt Nam (46%), Malaysia (24%), Thái Lan (36%), Ireland (20%).
Nhà Trắng cho biết các mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.
Apple gặp nhiều áp lực khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới. Ảnh: New York Times
Một khó khăn nữa là Apple phải tìm nguồn cung ứng linh kiện từ nhiều quốc gia và khu vực khác cũng bị tác động bởi thuế quan. Các nhà phân tích từ Bloomberg Intelligence nhận định thuế mới sẽ gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận vì công ty có thể không tăng giá để bù đắp chi phí phát sinh từ thuế.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, CEO Apple Tim Cook đã thuyết phục Tổng thống miễn thuế đối với iPhone và một số sản phẩm khác, lập luận các mức thuế này sẽ gây hại cho công ty Mỹ và có lợi cho Samsung của Hàn Quốc.
Đầu năm nay, Apple cố gắng làm hài lòng Tổng thống Trump bằng cam kết đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ trong 4 năm tới. Một phần của kế hoạch bao gồm sản xuất một số máy chủ AI tại Texas. Mới đây, hãng cũng bắt đầu sản xuất một lượng nhỏ chip tại cơ sở ở Arizona.
Dù vậy, hiện tại số lượng sản phẩm “made in America” của Apple không nhiều. Công ty quảng bá mẫu Mac Pro, giá khởi điểm 6.999 USD, là sản phẩm được sản xuất tại Texas, song doanh số rất ít và nhiều linh kiện vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác.
Năm 2019, Cook tháp tùng Tổng thống Trump thăm quan một nhà máy sản xuất máy tính tại Texas. Từ đó đến nay, Apple chưa chuyển bất kỳ một dây chuyền sản phẩm lớn nào về Mỹ. Thay vào đó, hãng nỗ lực đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc.
Năm 2017, khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên, Apple thiết lập dây chuyền lắp ráp iPhone tại Ấn Độ. Mất 5 năm để công ty đào tạo công nhân và xây dựng hạ tầng để sản xuất iPhone đời mới nhất tại đây. “Táo khuyết” đang trong quá trình gia tăng sản xuất với hi vọng các nhà máy sẽ phụ trách khoảng 25% trong 200 triệu iPhone bán ra mỗi năm.
Apple cũng dịch chuyển sản xuất AirPods, iPad và MacBook sang Việt Nam. Năm 2023, các nhà máy Việt Nam chiếm hơn 10% trong 200 nhà cung ứng toàn cầu của công ty.
Ông Trump muốn Apple đưa sản xuất về Mỹ nhưng điều này là một thách thức, cả về nhân lực lẫn cung ứng. Cook từng tuyên bố Mỹ không có đủ công nhân lành nghề để cạnh tranh với Trung Quốc. Trong một hội nghị vào cuối năm 2017, ông so sánh: "Ở Mỹ, nếu tổ chức cuộc họp với các kỹ sư cơ khí, tôi không chắc có lấp đầy phòng họp được không. Nhưng ở Trung Quốc, bạn có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá”.
Trong khi Apple là doanh nghiệp công nghệ lớn nhất bị ảnh hưởng bởi thuế quan, nhiều công ty cùng ngành cũng sẽ cảm nhận được tác động, dù trực tiếp hay gián tiếp. Google và Microsoft dù không phụ thuộc nhiều vào các nhà cung ứng quốc tế nhưng cũng kinh doanh thiết bị điện tử tiêu dùng. Chưa kể, thuế quan có thể làm tăng chi phí xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn.
Theo ngân hàng Morgan Stanley, thuế quan đối với iPhone và các thiết bị khác nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ làm tăng chi phí hàng năm của Apple lên 8,5 tỷ USD. Điều này có thể làm giảm 7,85 tỷ USD – tương đương 7% lợi nhuận của công ty trong năm tới.
(Theo Bloomberg, New York Times)
Du Lam