Ông Trump từng tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ áp thuế nhập khẩu 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ, và 60% trở lên cho hàng hóa từ Trung Quốc.
Việc tính toán mức thuế quan này không hề đơn giản, nhưng một số chuyên gia thương mại cho biết nếu áp dụng cho các sản phẩm của Apple, mức áp thuế sẽ khiến giá cả cho một chiếc iPhone mới tăng hơn 300 USD.
Trong “nguy” có “cơ”
Ông Trump và một số nhà kinh tế theo trường phái bảo thủ cho rằng thuế quan không làm tăng giá. Tuy nhiên, vấn đề là phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng người mua sắm sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho một chiếc xe đạp nếu tăng mức thuế.
Thuế quan hay thuế nhập khẩu là loại thuế đánh vào những sản phẩm được nhập qua biên giới. Để trả khoản thuế đó, Apple có 3 phương án: Giảm số tiền trả cho nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, tự chịu chi phí thuế, tăng giá điện thoại tại các cửa hàng hoặc kết hợp cả 3 cách lại.
Thoạt nghe điều này là một thử thách với Táo khuyết. Sản phẩm Apple vẫn được sản xuất phần lớn tại Trung Quốc, mục tiêu chính của mức thuế quan mà ông Trump đề xuất.
Bất chấp việc công ty đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang nơi khác ở châu Á, bao gồm cả Ấn Độ, Apple hầu như không sản xuất bất cứ thứ gì tại nước Mỹ.
Apple có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với chính quyền Biden trong nhiệm kỳ trước. Ảnh: White House.
Với việc Trump chào hàng mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 20% đối với những thứ được sản xuất ở nơi khác, Apple dường như đang gặp rắc rối.
Tuy nhiên, với mọi giá trị tiến bộ của mình, ban quản lý cấp cao của Apple có lẽ đã thở phào nhẹ nhõm khi cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào Nhà Trắng.
Chính sách và lời lẽ của ông Trump có thể xung đột với lập trường công khai của Apple, nhưng trên hết, Apple đã có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với chính quyền Biden.
Dưới thời ông Biden, Apple đã bị Bộ Tư pháp Mỹ kiện trong một vụ kiện chống độc quyền có thể kéo dài nhiều năm, bên cạnh sự giám sát ngày càng tăng của cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang đe dọa hoạt động công ty.
Trong khi đó, hiện tại Nhà Trắng đã đứng ngoài tranh chấp bằng sáng chế buộc Apple phải ngừng bán đồng hồ có tính năng đo oxy trong máu.
Đó hoàn toàn là một dấu hiệu tích cực để CEO Apple Tim Cook kỳ vọng vào một chính quyền thân thiện hơn với lợi ích của hãng.
Bình mới rượu cũ
Dù có bị áp thuế quan hay không, Apple trong tương lai gần vẫn sẽ không thể thoát khỏi mối quan hệ với các nhà máy đặt tại Trung Quốc, nơi có lực lượng lao động dồi dào và thiết bị sản xuất hàng loạt.
Điều đó dường như cho thấy Cook đang phải đối mặt với một trong những cơn đau đầu tiềm tàng lớn nhất trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, thực tế có thể lại khác xa.
Tim Cook luôn giữ mối quan hệ rất tốt với ông Donald Trump. Ảnh: Bloomberg.
Trong giai đoạn năm 2018, khi ông Trump lần đầu áp thuế diện rộng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Apple đã không bị ảnh hưởng dù iPhone phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.
Cũng trong thời gian đó, Tim Cook gần như là một nhân vật quen thuộc của Nhà Trắng khi thường xuyên gặp gỡ ông Trump. Ngược lại, trong 4 năm qua, CEO Apple và chính quyền Biden hiếm khi có tương tác với nhau.
Theo Washington Post, vào thời ông Trump CEO Apple đã thuyết phục Nhà Trắng bỏ qua thuế quan đối với hầu hết sản phẩm mà công ty kinh doanh.
Cụ thể, Cook được cho là đã nói với các quan chức Nhà Trắng khi đó rằng thuế quan sẽ làm tăng giá smartphone, máy Mac, iPad và gây tổn hại cho Apple.
Cook thậm chí còn thuyết phục Trump về ý tưởng rằng mức thuế áp lên iPhone sẽ có lợi cho Samsung, đối thủ chính của Apple tại Hàn Quốc.
Với sự thành công đó, nhà phân tích Mark Gurman từ Bloomberg cho rằng nhiều khả năng Apple sẽ có cách tiếp cận tương tự trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Tim Cook có thể giới thiệu rằng một số lượng lớn iPhone hiện được sản xuất tại Ấn Độ. Đây rất có thể sẽ là luận điểm quan trọng của Táo khuyết, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được cho là có mối quan hệ thân thiết với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Bên cạnh việc nhấn mạnh khâu sản xuất đã được dịch chuyển sang Ấn Độ, sẽ có một chiếc Mac Pro mới ra mắt vào năm sau.
Apple đã từng thoát khỏi mức thuế quan cao trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Ảnh: Alamy.
Mẫu máy này chính là nền tảng cho bài thuyết trình Made-in-the-USA của Apple, một nỗ lực trong nhiều năm về sản phẩm được lắp ráp tại Austin, Texas (Mỹ).
Ngoài ra, một nhà máy mới ở Arizona chuyên sản xuất chip cho các sản phẩm giá rẻ của Apple đang trong quá trình đi vào hoạt động.
Mặc dù dự án này diễn ra dưới thời ông Joe Biden, với các ưu đãi từ Đạo luật CHIPS và Khoa học, nhiều khả năng Donald Trump có thể sẽ coi đây là chiến thắng cho chính quyền của mình khi các con chip bắt đầu ra mắt thị trường vào năm 2025.
Tim Cook cũng không xa lạ gì với những cách tiếp cận này. Năm 2019, CEO Apple đã tổ chức một cuộc họp báo chung với ông Trump để cảm ơn vì đã giúp Apple lắp ráp mẫu máy Mac Pro tại Texas, bất chấp thực tế là máy tính này được sản xuất tại cùng nhà máy ở Austin từ năm 2013 với các linh kiện nhập từ Trung Quốc.
Anh Tuấn