Apple vừa đưa 600 tấn iPhone từ Ấn Độ đến Mỹ, ông Trump miễn thuế đối ứng với điện thoại, máy tính và chip

Apple vừa đưa 600 tấn iPhone từ Ấn Độ đến Mỹ, ông Trump miễn thuế đối ứng với điện thoại, máy tính và chip
13 giờ trướcBài gốc
Mỹ đã loại trừ một số thiết bị điện tử như smartphone, laptop, chất bán dẫn, SSD, màn hình phẳng… khỏi các mức thuế đối ứng do ông Trump áp đặt, theo danh sách các mặt hàng được Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ công bố.
Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ liệt kê khoảng 20 mặt hàng được miễn thuế đối ứng, trong đó có các loại máy móc để sản xuất bán dẫn, pin mặt trời.
Đây là động thái nhằm giảm bớt tác động tiêu cực lên người tiêu dùng Mỹ cùng các hãng công nghệ như Apple và Samsung, theo hãng tin Bloomberg.
Người dân ở Mỹ có thể tạm thời tránh được cảnh Apple tăng giá iPhone - Ảnh: SCMP
Theo hướng dẫn mới nhất từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ, các mặt hàng điện tử nói trên sẽ không nằm trong diện chịu mức thuế đối ứng 125% mà ông Trump áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như mức thuế cơ bản 10% áp dụng với hầu hết quốc gia khác.
Smartphone, laptop, chip là những sản phẩm quan trọng nhưng hầu như không được sản xuất tại Mỹ. Việc xây dựng chuỗi sản xuất trong nước cho các thiết bị này sẽ mất nhiều năm và chi phí lớn.
Việc các loại máy móc phục vụ sản xuất chất bán dẫn nằm trong diện được miễn thuế có ý nghĩa lớn với TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan) và nhiều hãng công nghệ khác.
Đầu tháng 3, TSMC thông báo kế hoạch đầu tư thêm 100 tỉ USD vào Mỹ, gồm cả việc xây dựng 5 cơ sở sản xuất chip bổ sung những năm tới. Khoản đầu tư 100 tỉ USD này từ TSMC sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước và giúp Mỹ giảm sự phụ thuộc vào việc sản xuất chất bán dẫn tại châu Á. Đây là khoản đầu tư bổ sung so với tuyên bố của TSMC hồi tháng 4.2024, khi cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại Mỹ thêm 25 tỉ USD lên tổng cộng 65 tỉ USD và bổ sung một nhà máy thứ ba ở bang Arizona vào năm 2030.
TSMC không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho các khoản đầu tư mới mà chỉ cho biết kế hoạch sẽ tạo ra 40.000 việc làm trong ngành xây dựng trong 4 năm tới. Việc xây dựng nhà máy đầu tiên tại bang Arizona từng bị trì hoãn, nhưng TSMC cuối cùng đã kịp bắt đầu sản xuất chip vào năm 2024.
Là đối tác sản xuất quan trọng của Nvidia, Qualcomm và AMD, TSMC đóng vai trò trung tâm trong ngành công nghiệp chip Mỹ. Việc đưa nhiều dây chuyền sản xuất hơn sang Mỹ có thể giúp giảm rủi ro chuỗi cung ứng với các công ty Đài Loan này.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo chính sách miễn trừ thuế với các thiết bị này có thể chỉ mang tính tạm thời. Việc miễn trừ lần này xuất phát từ quy định ban đầu nhằm tránh việc các mức thuế chồng chéo lên nhau, nhưng cũng để ngỏ khả năng các sản phẩm này sẽ sớm phải chịu mức thuế khác dù thấp hơn, đặc biệt là với hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo hãng tin CNBC, những mặt hàng này có thể bị áp thuế bổ sung trong tương lai, nhưng khả năng sẽ thấp hơn đáng kể so với mức tổng 145% mà ông Trump đang áp dụng với Trung Quốc.
"Đây là kịch bản trong mơ với các nhà đầu tư công nghệ. Việc smartphone, chip được loại khỏi danh sách chịu thuế là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong thuế quan với Trung Quốc", Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu công nghệ toàn cầu tại hãng Wedbush Securities, nhận xét.
Theo Dan Ives, thuế quan là đám mây đen bao phủ ngành công nghệ kể từ ngày đầu tiên áp dụng, vì không có lĩnh vực nào chịu thiệt hại hơn các hãng công nghệ lớn. Dan Ives cho rằng giám đốc điều hành các hãng công nghệ Mỹ đã lên tiếng mạnh mẽ và chính quyền Trump đã lắng nghe, thấu hiểu.
Chất bán dẫn là một trong những lĩnh vực mà ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế riêng biệt. Dù đến nay mức thuế cụ thể chưa được chính quyền Trump công bố, việc miễn trừ tạm thời lần này có thể là bước đệm cho một chính sách thuế mới với ngành chip thời gian tới.
Tin vui cho Apple
Việc miễn trừ thuế đối ứng với smartphone được xem là tín hiệu tích cực cho Apple (công ty lớn nhất nước Mỹ). Apple đã cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng theo dữ liệu từ hãng Omdia, trong số 77 triệu chiếc iPhone mà công ty Mỹ xuất khẩu sang Mỹ năm ngoái, gần 80% đến từ Trung Quốc.
CNBC đưa tin khoảng 4/5 lượng iPhone của Apple vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc, bất chấp nỗ lực chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ.
Hãng nghiên cứu công nghệ Omdia ước tính rằng, với mức thuế hiện tại nếu không có miễn trừ, Apple có thể buộc phải tăng giá iPhone nhập từ Trung Quốc sang Mỹ lên khoảng 85% nếu muốn duy trì biên lợi nhuận.
Theo hãng tin ReutersThe Times of India, Apple đã vận chuyển khoảng 600 tấn iPhone, tương đương 1,5 triệu chiếc, từ Ấn Độ sang Mỹ trước khi mức thuế mới của ông Trump có hiệu lực.
Khoảng 6 chuyến bay chở hàng, mỗi chiếc có sức chứa 100 tấn, đã cất cánh kể từ tháng 3, trong đó có một chuyến tuần này, đúng thời điểm các mức thuế mới đáng ra bắt đầu có hiệu lực trước khi ông Trump hoãn trong 90 ngày, nguồn tin và một quan chức chính phủ Ấn Độ xác nhận.
Theo số liệu đo lường của Reuters, trọng lượng đóng gói một chiếc iPhone 14 kèm cáp sạc vào khoảng 350 gram, cho thấy tổng hàng hóa 600 tấn tương đương khoảng 1,5 triệu chiếc iPhone, sau khi đã tính thêm phần trọng lượng bao bì.
Hôm 9.4, ông Trump thông báo hoãn thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia (không có Trung Quốc) trong 90 ngày, tạm thời đưa mức thuế về 10%. Tuy nhiên, thuế đối ứng với Trung Quốc lại được nâng từ 84% lên 125%. Qua đó, tổng thuế mà hàng Trung Quốc phải chịu trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông Trump hiện là 145%. Để đáp trả, Trung Quốc tuyên bố nâng thuế với hàng hóa Mỹ từ 84% lên 125%.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/apple-vua-dua-600-tan-iphone-tu-an-do-den-my-ong-trump-mien-thue-doi-ung-voi-dien-thoai-may-tinh-va-chip-231491.html