Chân dung Josef Mengele, “bác sĩ tử thần” khét tiếng ở trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã
Hoạt động của một số thành viên cấp cao trong chế độ Hitler tại Argentina hiện có thể được theo dõi nhờ vào kho tài liệu giải mật mới được Cục Lưu trữ quốc gia Argentina (AGN) công bố trực tuyến. Gần 2.000 tài liệu này ban đầu được giải mật vào năm 1992, nhưng chỉ có thể tham khảo trực tiếp tại AGN. Hôm 5-5, Chính phủ Argentina tuyên bố sẽ công khai tất cả sau yêu cầu của Tổng thống Javier Milei vào tháng 2 năm nay. Bản sao của tập tài liệu đồng thời được gửi đến Trung tâm Simon Wiesenthal - nơi đang điều tra về mối liên hệ của ngân hàng Credit Suisse với chủ nghĩa Quốc xã. “Nhà nước Argentina không có lý do gì để tiếp tục bảo vệ thông tin này” - Chánh văn phòng Nội các Guillermo Francos cho biết trong thông báo.
Loạt tài liệu vừa được giải mật là nguồn thông tin quan trọng về Đức Quốc xã và các hoạt động của họ ở Argentina, cũng như các sắc lệnh Tổng thống tuyệt mật từ năm 1957 đến 2005. Cụ thể, Martin Bormann - Thư ký riêng của Hitler đến Argentina vào năm 1948, tiếp theo là Mengele vào năm 1949 và Adolf Eichmann - một trong những kiến trúc sư chính của cuộc diệt chủng người Do Thái - vào năm 1950. Cả 3 đều chạy trốn khỏi châu Âu qua cái gọi là “Ratlines” - tuyến đường trốn thoát bí mật mà những kẻ chạy trốn của Đức Quốc xã sử dụng và định cư tại Argentina.
Nơi ẩn náu của tội phạm chiến tranh
Josef Mengele khi đó 38 tuổi, tự nhận là “kỹ thuật viên cơ khí” đang tìm kiếm một cuộc sống mới xa quê hương sau Thế chiến 2. Ông ta cảm thấy an toàn trên đất nước Argentina đến mức 6 năm sau đã nộp đơn xin giấy tờ mới bằng tên thật và ở lại Buenos Aires cho đến khi người đồng hương là Adolf Eichmann bị cơ quan mật vụ Israel bắt giữ.
Hồ sơ chính thức của cảnh sát cho thấy, vào ngày 26-11-1955, Josef Mengele đã nộp đơn xin cấp một giấy tờ tùy thân mới, đổi tên là Jose Mengele, một nhà sản xuất chuyên nghiệp. Sau khi được xác nhận danh tính này, ông ta đã sang Uruguay để kết hôn với người vợ góa của anh trai mình và cả 2 trở về sống ở Argentina. Những tài liệu chính thức đầu tiên về tên tội phạm chiến tranh này không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về quá khứ của hắn. Điều này không làm các chuyên gia ngạc nhiên. Tuy nhiên, các báo cáo tình báo trước đó mô tả Mengele là “một quái vật của trại tập trung Auschwitz”.
Một bài báo năm 1959 của tờ The Jerusalem Post nêu rằng, những tội ác được cho là của Mengele bao gồm: Lựa chọn các tù nhân Do Thái để gửi đến cho ông ta làm thí nghiệm y khoa, sau đó giết họ trong phòng hơi ngạt; tự tay giết các tù nhân Do Thái bằng cách tiêm phenol; ném trẻ sơ sinh vào lửa trước mặt mẹ của chúng; giết một bé gái 14 tuổi bằng dao.
Hồ sơ về những tên tội phạm Đức Quốc xã khác cũng tương tự. Các bài viết từ những tờ báo nước ngoài nêu chi tiết về tội ác đã gây ra và địa điểm mà những cá nhân này được cho là ẩn náu, cũng như các bức điện tín, thư từ giữa các cơ quan quốc gia và quốc tế. Đáng chú ý, Adolf Eichmann đã sử dụng hộ chiếu do Hội Chữ thập đỏ cấp để nhập cảnh vào Argentina vào năm 1950 dưới bí danh Ricardo Klement, một kỹ thuật viên không quốc tịch được cho là sinh ra tại thành phố Bolzano của Italia. Ông ta đã sống nhiều năm trong một ngôi nhà ở San Fernando, phía Bắc Thủ đô Buenos Aires. Viên sĩ quan cấp cao của Đức Quốc xã không bao giờ ngờ rằng mình đã bị phát hiện và bị 11 điệp viên Israel giám sát. Nhóm này đã bắt cóc Eichmann khi hắn bước xuống xe buýt vào ngày 11-5-1960.
Theo các tài liệu giải mật, hoạt động này đã nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên của lực lượng an ninh Argentina. 9 ngày sau, các điệp viên Mossad đã tiêm thuốc an thần cho Eichmann, cải trang nhân vật này thành phi công và đưa lên chuyến bay đến Tel Aviv. Khi đến nơi, Isser Harel - chỉ huy nhóm, một trong những nhà tình báo nổi tiếng nhất Israel - đã gọi điện báo cáo Thủ tướng David Ben-Gurion: “Tôi có một món quà dành cho Thủ tướng”. Ngày 31-5-1962, sau khi bị kết tội phạm tội ác chống lại loài người, Eichmann đã bị xử tử bằng hình thức treo cổ.
Khi lưới vây chặt hơn, Mengele đầu tiên chạy trốn đến Paraguay và sau đó vượt biên sang Brazil dưới cái tên Wolfgang Gerhard. Nhưng mãi đến năm 1985 sự thật mới được sáng tỏ do y chết đuối ở Brazil vào năm 1979.
Ngay sau Thế chiến II, Argentina bị cho là đóng vai trò làm nơi ẩn náu cho tội phạm chiến tranh bỏ trốn
Mạng lưới hỗ trợ ở Argentina
Ông Ariel Gelblung - Giám đốc Trung tâm Simon Wiesenthal cho biết, các kho lưu trữ mới công bố có thể không có nhiều thông tin mới, nhưng sẽ cho phép tất cả các bên quan tâm kiểm tra nguồn gốc và tự rút ra kết luận về những năm Argentina đóng vai trò là nơi ẩn náu cho tội phạm chiến tranh bỏ trốn. “Điều này cho thấy lập trường của Argentina về vấn đề này trong những năm 1950, 1960 và 1970 rất khác so với sau khi nền dân chủ được thiết lập trở lại vào năm 1983, khi tất cả tội phạm chiến tranh bị phát hiện đều bị dẫn độ”.
Tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã đã đến Argentina nhờ một mạng lưới quốc tế cung cấp hộ chiếu giả và giúp họ định cư tại quốc gia này mà không bị phát hiện. Trường hợp của Mengele là một ví dụ điển hình. Lúc đầu, y ở tại một khách sạn ở Buenos Aires, sau đó chuyển đến nhà của Gerhard Malbranc - một trong những người quản lý quỹ của Đức Quốc xã. Hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về đường đi của những khoản tiền đó, nhưng đã có đồn đoán rằng tiền được cướp từ người Do Thái và gửi đến Argentina để tài trợ cho các doanh nhân ủng hộ Đức Quốc xã, một phần được trả lại cho châu Âu thông qua ngân hàng mà ngày nay được gọi là Credit Suisse. Đây là chủ đề của một cuộc điều tra mà Trung tâm Simon Wiesenthal hy vọng sẽ có kết luận “vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 năm sau”. “Những tài khoản này đứng tên các công ty Đức như IG Farben (nhà cung cấp khí Zyklon-B, được sử dụng để tiêu diệt người Do Thái và các nạn nhân khác của chủ nghĩa Quốc xã) cho đến các tổ chức tài chính như Ngân hàng xuyên Đại Tây Dương và Ngân hàng Nam Mỹ của Đức. Hai ngân hàng này dường như đóng vai trò là kênh chuyển tiền cho Đức Quốc xã trên đường đến Thụy Sĩ” - Trung tâm Simon Wiesenthal nói với tờ El Pais khi cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2020.
Theo báo chí Argentina, một số nhân vật như Martin Bormann chưa bao giờ đặt chân đến Nam Mỹ, tuy nhiên, có tin đồn về sự hiện diện của họ. Cơ quan lưu trữ của Argentina đã giải mật 2 hồ sơ về Bormann, bao gồm một tài liệu tình báo ghi chép thời điểm ông đến nước này là năm 1948 và các bài báo trích dẫn cũng ghi nhận ông ta từng ở Bolivia và Paraguay. Hài cốt của ông được tìm thấy ở Berlin vào năm 1972.
Một số chỉ huy Đức Quốc xã như Đại úy SS Erich Priebke vẫn sống bình yên ở Argentina ngay cả sau khi nhiều “đồng đội” đã bị bắt. Priebke định cư tại thành phố Bariloche ở Patagonia và không bị pháp luật để ý cho đến năm 1991, khi ông ta được nhà văn người Argentina Esteban Buch phỏng vấn và nói công khai về vai trò của mình trong vụ thảm sát ở hang động Ardeatine, nơi 335 người Italia đã bị hành quyết theo lệnh của Hitler. 3 năm sau, khi được đài truyền hình ABC của Mỹ phỏng vấn, đoạn phim này đã trở thành tiêu đề trên toàn cầu và làm dấy lên nhiều lời kêu gọi dẫn độ ông ta sang Italia. Priebke bị đưa đến Rome, bị xét xử và kết án tù chung thân vì những tội ác của mình.
Yến Chi