Armenia: Cải cách Hiến pháp hướng đến một Quốc hội thực quyền

Armenia: Cải cách Hiến pháp hướng đến một Quốc hội thực quyền
một ngày trướcBài gốc
Hệ thống chính trị
Armenia hiện đại là một một quốc gia đang phát triển và xếp thứ 76 về Chỉ số phát triển con người, tính đến năm 2024. Nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa trên sản lượng công nghiệp và khai thác khoáng sản. Mặc dù nằm ở Nam Kavkaz, Armenia tự coi mình là một phần của châu Âu do có nhiều mối liên kết về mặt địa chính trị.
Tòa nhà Quốc hội Armenia. Nguồn: Wikipedia
Theo Hiến pháp hiện hành, được thông qua năm 2015, Armenia là một nước Cộng hòa Dân chủ Nghị viện đại diện. Theo đó, Tổng thống là nguyên thủ quốc gia nắm giữ phần lớn các chức năng đại diện, trong khi Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ và thực hiện quyền hành pháp. Quyền lập pháp được trao cho Azgayin Zhoghov (Quốc hội), đây là một Quốc hội đơn viện, gồm tối thiểu 101 thành viên và số thành viên có thể được điều chỉnh với những ghế bổ sung.
Trước cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp Armenia năm 2015, Quốc hội ban đầu gồm 131 nghị sĩ, được bầu cho nhiệm kỳ 5 năm, trong đó 41 nghị sĩ được bầu ở các khu vực bầu cử một thành viên và 90 nghị sĩ được bầu theo đại diện tỷ lệ.
Sau Hiến pháp sửa đổi năm 2015 và theo Luật Bầu cử được sửa đổi vào tháng 4.2021, số lượng nghị sĩ Quốc hội đã giảm từ 131 thành viên ban đầu xuống còn 101, có thể tăng lên khi cần phân bổ thêm ghế (tối đa không quá 200 ghế), được bầu với nhiệm kỳ 5 năm, theo hình thức bỏ phiếu kín của danh sách đảng. Trong đó, bốn ghế được dành riêng cho các nhóm dân tộc thiểu số (người Assyria, người Kurd, người Nga và người Yazidi). Các đảng phải đạt ngưỡng tối thiểu 5% và các liên minh phải đạt ngưỡng 7% để có ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, quy định yêu cầu Quốc hội phải có ít nhất 3 lực lượng chính trị. Vì vậy, trong trường hợp mới có hai đảng đủ điều kiện có ghế trong Quốc hội, thì đảng đứng thứ ba sẽ có ghế bất chấp việc họ không đạt được ngưỡng tối thiểu.
Cuộc bầu cử lập pháp gần đây nhất của Armenia diễn ra vào năm 2021, bầu ra một Quốc hội gồm 107 thành viên, với 3 lực lượng chính trị trong đó đảng Hợp đồng Dân sự chiếm đa số.
Từ chế độ bán tổng thống sang cộng hòa nghị viện
Vào ngày 5.10.2015, Quốc hội đã nhất trí với dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Hiến pháp mới sau đó được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 6.12.2015 với 66% cử tri ủng hộ. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 51%, vượt qua ngưỡng 33% để kết quả có hiệu lực.
Những điểm sửa đổi đối với Hiến pháp đã đưa đất nước vào một lộ trình từ chế độ bán tổng thống sang chế độ cộng hòa nghị viện. Điều này có nghĩa là so với chế độ bán tổng thống, quyền hạn và chức năng của Quốc hội sẽ được tăng cường.
Theo đó, ngoài thực hiện chức năng đại diện và lập pháp, Quốc hội còn được trao quyền giám sát cơ quan hành pháp, giám sát ngân sách.
Một điểm quan trọng của Hiến pháp sửa đổi đó là Tổng thống không còn do cử tri trực tiếp bầu mà Quốc hội sẽ là cơ quan bầu Tổng thống với nhiệm kỳ 7 năm và người giữ chức Tổng thống không được tái ứng cử.
Hiến pháp mới theo chế độ nghị viện cũng đưa ra những thay đổi trong quy trình bổ nhiệm Thủ tướng. Cụ thể như sau: Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới, Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng từ ứng cử viên do Quốc hội đã thông qua.
Lễ khánh tổ chức tại Hội trường Quốc hội mới vào tháng 10.2010
Trong trường hợp Thủ tướng từ chức, thì trong vòng 7 ngày Quốc hội tiến hành đề cử và bầu Thủ tướng mới với đa số phiếu. Nếu trong thời hạn này, Quốc hội không bầu được Thủ tướng, Quốc hội phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác trong vòng 7 ngày tiếp theo. Nếu trong cuộc bỏ phiếu này, Quốc hội vẫn không bầu được Thủ tướng, Quốc hội sẽ bị giải tán và phải tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.
Trong vòng 20 ngày kể từ khi thành lập Chính phủ, Thủ tướng phải trình Quốc hội chương trình hành động của Chính phủ và Quốc hội phải thông qua chương trình này trong vòng 7 ngày với đa số phiếu. Nếu không, Quốc hội sẽ phải giải tán.
Quốc hội cũng thực hiện chức năng giám sát hành pháp thông qua quyền chấp thuận và giám sát ngân sách. Theo đó, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước do Chính phủ trình. Dự toán ngân sách nhà nước bao gồm toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước theo chế độ do pháp luật quy định. Chính phủ phải trình dự thảo ngân sách nhà nước lên Quốc hội chậm nhất 90 ngày trước ngày bắt đầu năm tài chính.
Quốc hội cũng thực hiện chức năng giám sát hành pháp thông qua công cụ chất vấn và mới nhất là việc thành lập các ủy ban điều tra theo các Điều 107 và 108 của Hiến pháp mới.
Quốc hội cũng có thể tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ nếu ít nhất 1/3 nghị sĩ đề xuất và đồng thời đề xuất một ứng cử viên mới cho ghế Thủ tướng. Trong vòng 48 tiếng, chậm nhất là 72 tiếng, Quốc hội phải thảo luận và thông qua kiến nghị bất tín nhiệm. Nếu kiến nghị được thông qua, Thủ tướng phải từ chức.
Tòa nhà Quốc hội
Tòa nhà Quốc hội Armenia được khởi công xây dựng vào năm 1948 và hoàn thành vào năm 1950. Ban đầu là trụ sở của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Armenia, tòa nhà này sau đó được trao cho Hội đồng Tối cao Cộng hòa Armenia vào tháng 5.1991.
Với vị trí độc đáo - tọa lạc trên rìa của một trong những trục đường chính của thành phố, tòa nhà Quốc hội cũng là một hình mẫu về giải pháp bố cục sáng tạo.
Tòa nhà được chia thành ba khối: khối trung tâm, bao gồm lối vào rộng, cầu thang trang nghiêm và phòng họp, và hai khối bên hông, vuông góc với mặt tiền, nơi các văn phòng được đặt ở hai bên hành lang rộng.
Tòa nhà được xây dựng bằng đá felsite của vùng Alaverdi màu sữa mịn, đá tuff màu cam nhạt, nhờ đó tòa nhà nổi bật trên nền xanh mát của cây cối xung quanh và nền trời xanh biếc, mang đến cho tòa nhà vẻ đẹp và sức biểu cảm độc đáo.
Nội thất của tòa nhà được thiết kế nổi bật với các chi tiết rõ ràng và tinh xảo. Lối vào tòa nhà được lát đá cẩm thạch và trang trí bằng những cột trụ tuyệt đẹp ở hai bên. Hành lang rộng và cao, nhiều ánh sáng, cầu thang ở giữa và bên hông, cùng hai thang máy tạo nên sự kết nối thoải mái giữa các khu vực và tầng khác nhau của tòa nhà.
Năm 2009, tòa nhà thứ hai nằm cạnh tòa nhà chính của Quốc hội, được khởi công xây dựng từ năm 2006, đã hoàn thành. Lễ khánh thành chính thức được tổ chức vào tháng 10.2010. Cấu trúc hình bầu dục của hội trường tại tòa nhà mới mang ý nghĩa là cuộc thảo luận diễn ra quanh một chiếc bàn tròn. Từ xa xưa, bàn tròn đã được coi là biểu tượng của sự hợp tác, những cuộc thảo luận hiệu quả và mang tính xây dựng, vì về mặt logic, những người đối thoại quanh bàn tròn luôn tìm kiếm những cách làm hiệu quả để giải quyết vấn đề.
Nỗ lực trao quyền cho phụ nữ
Armenia đã có những tiến bộ quan trọng về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ lần đầu tiên được bảo đảm vào năm 1918. Những nữ nghị sĩ đầu tiên được bầu vào năm 1919, trong một cuộc bầu cử Quốc hội trực tiếp.
Tư tưởng gia trưởng và định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội Armenia. Tuy nhiên, quốc gia này đã chứng kiến những bước tiến đáng kể trong nỗ lực vì bình đẳng giới. Theo UN Women, 83,3% khuôn khổ pháp lý của Armenia hướng tới thúc đẩy, thực thi và giám sát bình đẳng giới theo Mục tiêu phát triển bền vững.
Luật Bầu cử năm 2021 quy định, trong danh sách ứng cử viên của đảng, ít nhất 30% phải là phụ nữ. Tính đến tháng 7.2024, Quốc hội Armenia có 39 thành viên là phụ nữ, chiếm 36,5% tổng số đại biểu.
Đạt Quốc (Theo parliament.am)
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/armenia-cai-cach-hien-phap-huong-den-mot-quoc-hoi-thuc-quyen-post408919.html