ASEAN hành động phù hợp nhằm tránh để thuế quan của Mỹ phá vỡ hệ thống khu vực

ASEAN hành động phù hợp nhằm tránh để thuế quan của Mỹ phá vỡ hệ thống khu vực
6 giờ trướcBài gốc
ASEAN cam kết hành động phù hợp để tránh tối đa tác động của thuế quan. Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế “Ngày Giải phóng” của Mỹ, khu vực Đông Nam Á vẫn triển khai những hành động vô cùng khéo léo và được nhiều bên hoan nghênh. Đơn cử, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã nhanh chóng tuyên bố các nước sẽ không trả đũa thuế quan với Mỹ bởi điều này chỉ làm tăng thêm chi phí cho người dân.
Trước những diễn biến trên thị trường toàn cầu hiện nay, một cuộc họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ được triệu tập, có thể là vào đầu tháng 5.
Có thể nói rằng, phản ứng ban đầu này phản ánh cấu trúc lợi ích của khu vực Đông Nam Á, nơi tham vọng phát triển, thịnh vượng và an ninh phụ thuộc vào các nền kinh tế hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Các nguyên tắc về sự cởi mở, bình đẳng, hợp tác và chủ nghĩa đa phương được các chuyên gia nhận định là đã “ăn sâu vào DNA của ASEAN”, ngay cả khi các nguyên tác này không được thực hiện một cách hoàn hảo.
Việc tạm dừng áp thuế của Mỹ trong 90 ngày sẽ giúp kéo dài thời gian. Nhưng mối đe dọa vẫn chưa kết thúc.
Giai đoạn tiếp theo trong phản ứng của ASEAN sẽ cần phải xem xét về lợi ích toàn cầu. Nó có thể giúp lấp đầy khoảng trống lãnh đạo trong chủ nghĩa đa phương. Có hai nguyên tắc mà ASEAN đã và đang thực hành có thể hướng dẫn hành động và hợp tác.
Đầu tiên, nếu ASEAN thực hiện những điều có lợi cho mình theo đúng nguyên tắc, điều đó sẽ góp phần vào nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, bao gồm tránh trả đũa để gây thêm nỗi đau về kinh tế, đồng thời sử dụng các biện pháp phù hợp với các quy tắc và thể chế mà ASEAN đã cam kết và tiếp tục làm việc như một nhóm.
Thứ hai là bảo vệ tính trung tâm của ASEAN. ASEAN không chỉ là trung tâm của các quốc gia thành viên Đông Nam Á, mà còn là trung tâm trong hợp tác của khu vực châu Á rộng lớn hơn. Do đó, ASEAN nên tận dụng tính trung tâm của mình.
Theo nhận định của các chuyên gia, ASEAN hoàn toàn có thể tìm thấy các đối tác sẵn sàng tăng cường hợp tác với khu vực. Trong đó, các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí tăng cường thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Giữa lúc những quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng của Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng đàm phán với nước này để hạn chế tác động tiêu cực đến xuất khẩu, tăng trưởng và việc làm, phản ứng đúng đắn của các nền kinh tế ASEAN sẽ là một chiến lược hai mũi nhọn. Đầu tiên là quản lý các cú sốc bên ngoài bằng cách củng cố nền kinh tế trong nước thông qua chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp, có mục tiêu rõ ràng để giải quyết tác động tiêu cực và triển khai chính sách toàn diện, cũng như cải cách cơ cấu. Làm như vậy cùng với các nước láng giềng sẽ xây dựng lòng tin và mang lại lợi ích lớn hơn ở Đông Nam Á.
Thứ hai, bằng cách tận dụng chủ nghĩa khu vực cởi mở và tính trung tâm của khu vực, khối ASEAN có thể huy động một liên minh các đối tác sẵn sàng bảo vệ lợi ích trong hệ thống đa phương. Nhờ đó, Đông Nam Á sẽ có thể vượt qua mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế và chính trị kể từ khi ASEAN được thành lập.
Hạnh Nhi(Lược dịch từ CNA)
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/the-gioi/asean-hanh-dong-phu-hop-nham-tranh-de-thue-quan-cua-my-pha-vo-he-thong-khu-vuc-152914.html