Có ý kiến cho rằng, đây rất có thể là “cơ hội vàng” cho các nền kinh tế đang phát triển tại Đông Nam Á. Điều quan trọng là họ đón nhận nó như thế nào.
Động lực kinh tế
Tháng 9/2024, dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ phản ánh những tín hiệu trái chiều về nền kinh tế. Sau giai đoạn gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, áp lực lạm phát hiện có xu hướng giảm, phản ánh kết quả của những nỗ lực kiểm soát áp lực tăng giá trong nền kinh tế. Đây là một tín hiệu tích cực, bởi lạm phát cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng và ổn định kinh tế.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng nhẹ 0,2%, không phải là một mối lo ngại lớn. Chỉ số PCE lõi, chỉ số lạm phát được FED ưa thích, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong tầm kiểm soát của FED. Mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ là 2%, và việc PCE lõi tiến gần đến mục tiêu này là một tín hiệu tích cực.
Cảng biển Hải Phòng (Việt Nam).
Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, mức cao nhất trong nhiều năm. Các quan chức FED tự tin lạm phát đang hướng về mục tiêu 2%, song lo ngại về tình hình thị trường lao động. Trước khi thực hiện cắt giảm lãi suất, FED đã thực hiện nhiều đợt thắt chặt tiền tệ trong nỗ lực kiểm soát lạm phát. Những chính sách này đã tạo ra tác động kéo dài đến nền kinh tế, kìm hãm tăng trưởng và tăng cường áp lực cho thị trường lao động. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn và đầu tư, dẫn đến tăng trưởng chậm. Xét ở góc độ này, việc cắt giảm lãi suất nhằm mục đích khôi phục niềm tin của thị trường và thúc đẩy hoạt động kinh tế trở lại.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng đóng một vai trò quan trọng. Sự phục hồi chậm chạp của nhiều nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã tạo ra một môi trường không chắc chắn. Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đang có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, thực tế đòi hỏi duy trì tính cạnh tranh cho nền kinh tế Mỹ và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thực tế kỳ vọng của thị trường về lãi suất trong tương lai cũng có thể tác động đến quyết định này. Nếu thị trường tin rằng FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể sẵn sàng hơn để đầu tư và chi tiêu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc cắt giảm lãi suất tại thời điểm này không chỉ phản ánh thực trạng kinh tế mà còn giúp định hình kỳ vọng tích cực trong tâm lý của các nhà đầu tư.
Ngày 19/9, FED đã tiến hành cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, đánh dấu khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ được dự đoán sẽ tiếp tục trong năm 2025. Những điều này đã diễn ra trong bối cảnh lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm và giá hàng hóa đã ổn định. Sau những biến động mạnh mẽ do khủng hoảng chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị, giá hàng hóa như dầu mỏ, lương thực và nguyên liệu đã ổn định hơn, giúp giảm thiểu lo ngại về chi phí sản xuất tăng cao, từ đó tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất mà không lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả.
Đón gió lớn
Asean có thể là khu vực hưởng lợi lớn từ các chính sách này. Việc FED hạ lãi suất có thể dẫn đến sự gia tăng dòng vốn đầu tư vào Đông Nam Á. Khi lãi suất ở Mỹ thấp, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm cơ hội cao hơn ở những thị trường mới nổi, đặc biệt trong các ngành như công nghệ, sản xuất và cơ sở hạ tầng. Sự chuyển dịch này có thể làm tăng giá trị cổ phiếu và tài sản tại khu vực, giúp nhiều nền kinh tế đang phát triển phục hồi sau đại dịch.
Thứ nhất, dòng vốn đầu tư vào khu vực này có thể tăng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ bởi ASEAN đang nổi lên như một trung tâm công nghệ, với nhiều công ty khởi nghiệp và sáng tạo. Đầu tư vào công nghệ có thể thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững cho khu vực, càng khiến nơi đây trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Thêm vào đó, nhiều quốc gia khu vực như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đã có những bước tiến lớn trong ngành sản xuất. Dòng vốn tiềm năng cho cơ sở hạ tầng của ngành này sẽ không chỉ tạo ra việc làm mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực. Tăng trưởng sản xuất và năng lực cạnh tranh tất yếu đòi hỏi đi kèm sự phát triển đồng bộ trong cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng và viễn thông, với tiềm năng hỗ trợ sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thứ hai, gia tăng dòng vốn đầu tư sẽ có tác động tích cực đến thị trường tài chính Asean. Khi các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu có khả năng tăng lên, tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư và củng cố niềm tin vào thị trường. Đồng thời tăng trưởng trong đầu tư cũng có thể dẫn đến tăng giá trị tài sản bất động sản và các tài sản khác, tạo ra cảm giác thịnh vượng chung cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Cơ hội “vàng” cho các nền kinh tế Đông Nam Á từ quyết định cắt giảm lãi suất của FED.
Nói một cách dễ hiểu hơn, gia tăng đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng và phát triển đô thị, sẽ tạo ra nhu cầu lớn hơn đối với bất động sản. Các dự án mới và cải tiến hạ tầng sẽ thu hút cư dân và doanh nghiệp, đẩy giá trị bất động sản lên cao. Khi giá trị bất động sản tăng, các hộ gia đình và doanh nghiệp sở hữu có thể cảm thấy “giàu có” hơn. Điều này không chỉ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng mà còn khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn, từ đó tạo ra động lực cho nền kinh tế.
Khi thị trường chứng khoán tăng trưởng do dòng vốn đầu tư đổ vào, giá trị cổ phiếu cũng tăng theo. Các hộ gia đình và doanh nghiệp có đầu tư vào cổ phiếu sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn, góp phần làm tăng cảm giác thịnh vượng. Doanh nghiệp sẽ có thêm vốn để mở rộng hoạt động sản xuất, đầu tư vào công nghệ và phát triển sản phẩm mới không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà còn giúp nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường. Gia tăng giá trị tài sản cũng có thể làm tăng khả năng vay vốn của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Họ có thể sử dụng tài sản làm tài sản thế chấp để vay vốn, từ đó đầu tư vào các lĩnh vực khác, tạo ra sự tăng trưởng lan tỏa trong nền kinh tế.
Tất nhiên, gia tăng dòng vốn đầu tư từ Mỹ cũng có thể đi kèm với những rủi ro. Dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể gây ra sự biến động lớn trong thị trường tài chính, đặc biệt nếu có những điều chỉnh hoặc thay đổi nhanh chóng trong chính sách tiền tệ của FED. Tăng trưởng nhanh chóng có thể dẫn đến áp lực lạm phát nếu không được quản lý thận trọng, ảnh hưởng đến sức mua.
Các nền kinh tế ASEAN cần chú ý đến mức độ nợ công và nợ hộ gia đình, bởi tăng trưởng nhanh có thể làm gia tăng rủi ro tài chính.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Trước tác động từ FED, các ngân hàng trung ương tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã bắt đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ. Thái Lan đã cắt giảm lãi suất tham chiếu lần đầu tiên trong 4 năm trở lại vào tháng 10 vừa qua nhằm kích thích đầu tư và giảm bớt gánh nặng nợ hộ gia đình. Vài giờ trước khi FED cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng bất ngờ công bố đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong 3 năm. Một số khuyến nghị cho rằng Ngân hàng Trung ương Indonesia có thể chờ thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất của FED trước khi tiếp tục chiến dịch cắt giảm lãi suất để nỗ lực tìm cách cân bằng giữa chính sách tiền tệ ổn định và chính sách vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng.
Sau quyết định lãi suất của FED, nhiều đồng tiền châu Á như rupiah, baht, ringgit và SGD đều tăng giá so với đồng USD. Một trong những tác động rõ rệt nhất của việc cắt giảm lãi suất là sự biến động tỷ giá hối đoái. Đồng USD yếu đi, kéo theo sự tăng giá của các đồng tiền châu Á giúp giảm chi phí nhập khẩu, nhưng cũng có thể gây khó khăn cho xuất khẩu, đặc biệt đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa truyền thống, do đó, trước những triển vọng kể trên, các quốc gia cần có chiến lược dài hạn để phát triển bền vững.
Các ngân hàng trung ương cần duy trì một cách tiếp cận linh hoạt, kết hợp giữa việc cắt giảm lãi suất và các biện pháp tài chính khác để ổn định nền kinh tế. Điều này đòi hỏi việc theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính và các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô. Các quốc gia cũng cần phải tập trung vào cải cách cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực đầu tư vào giáo dục, công nghệ và hạ tầng, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Rõ ràng, quyết định cắt giảm lãi suất của FED và những đợt cắt giảm dự kiến trong tương lai mang lại lợi ích và thách thức song hành cho các nền kinh tế ASEAN. Nếu biết cách “cưỡi sóng” hiệu quả, đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế. Áp dụng các chính sách hợp lý, cải cách hành chính và nâng cao năng lực của môi trường đầu tư là chìa khóa để “thành công, thành công, đại thành công” trong bối cảnh mới này.
Thái Bình