Báo động tình trạng rác thải nhựa dồn về Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo Jakarta Post, khi hội nghị lần thứ 16 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP16)
tại Colombia kết thúc, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thể hiện những cách tiếp cận khác nhau đối với các mục chính trong chương trình đàm phán, bao gồm tài trợ đa dạng sinh học và sự tham gia của người dân bản địa và cộng đồng địa phương (IP&LC).
Philippines nổi lên như một “nhà vô địch”, ủng hộ quyền IP&LC trong bảo tồn biển và ven biển, đồng thời nhấn mạnh sự tích hợp các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học. Malaysia kêu gọi sự hợp tác khu vực mạnh mẽ hơn về tài chính đa dạng sinh học, với sự hỗ trợ từ Indonesia.
Hiện tại, thế giới đang tập trung vào một thỏa thuận môi trường đa phương quan trọng khác, Hiệp ước Nhựa toàn cầu. Tại Ủy ban đàm phán liên chính phủ lần thứ năm (INC 5) diễn ra ở Busan, Hàn Quốc từ ngày 25/11-1/12/2024, sự tham gia của
ASEAN
là then chốt. Vấn đề đặt ra là liệu ASEAN có duy trì được đà chủ động từ COP16, tận dụng cơ hội để dẫn đầu vì lợi ích công cộng và phúc lợi khu vực hay không?
Ô nhiễm nhựa gây ra nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe con người, môi trường và nền kinh tế. Từ sản xuất đến xử lý, nhựa là một trong những ngành công nghiệp thải nhiều carbon nhất hành tinh, với lượng khí thải carbon tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 30 năm, chiếm gần 5% tổng lượng khí thải nhà kính hàng năm, tác động đáng kể đến khu vực Đông Nam Á.
Để tránh những tác động nghiêm trọng của ô nhiễm nhựa đối với sức khỏe và môi trường, cần phải có sự thay đổi cơ bản về cách sản xuất, sử dụng và quản lý nhựa. Tuy nhiên, ngay cả khi thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhựa, sản lượng vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, tác động kinh tế là đáng kể. Chỉ riêng ô nhiễm nhựa biển đã gây ra sự sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn cầu, ước tính lên tới 7 tỷ USD mỗi năm.
Ô nhiễm gây nguy hiểm cho tiềm năng kinh tế to lớn của các đại dương, dự kiến sẽ đạt GDP là 3.000 tỷ USD vào năm 2030, chiếm khoảng 5% GDP toàn cầu. Ở khu vực Đông Nam Á, các ngành công nghiệp xanh chiếm ưu thế, đóng góp đáng kể vào nuôi trồng thủy sản, nghề cá và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này cũng phải đối mặt với những tổn thất kinh tế nghiêm trọng do ô nhiễm nhựa, ước tính lên tới 19 tỷ USD tại 87 quốc gia ven biển.
Mối đe dọa kinh tế này làm suy yếu khát vọng của các sáng kiến như tầm nhìn ASEAN 2045, trong đó tìm kiếm nền kinh tế xanh sáng tạo, hành động vì khí hậu, đô thị hóa bền vững và các giải pháp dựa trên thiên nhiên. Kể từ năm 2021, Kế hoạch hành động khu vực biển của ASEAN đã hướng đến mục tiêu chống lại rác thải biển bằng cách loại bỏ dần nhựa dùng một lần, tạo ra động lực hiện đang được khuếch đại trên toàn cầu để giảm ô nhiễm nhựa trên toàn khu vực thông qua Hiệp ước nhựa toàn cầu.
Đối với ASEAN, việc tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán là rất quan trọng, không chỉ vì khả năng phục hồi kinh tế và môi trường của khu vực, mà còn để thiết lập tiền lệ toàn cầu cho hành động quyết liệt chống ô nhiễm nhựa.
Tại INC4 ở Ottawa (Canada), Philippines nổi lên như một quốc gia dẫn đầu khu vực, liên kết ô nhiễm nhựa với tác động của khí hậu. Tuy nhiên, tính nhất quán trong việc ưu tiên lợi ích công cộng hơn ảnh hưởng của ngành vẫn rất quan trọng. Tương tự như vậy, Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các hóa chất đáng lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, mặc dù cần phải có những cam kết mạnh mẽ hơn.
Đáng chú ý là không có quốc gia ASEAN nào ủng hộ việc đưa “nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền” vào các cơ chế tài chính, mặc dù ủng hộ các hệ thống trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Trong khi EPR buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất thải, thì nó cũng phải thúc đẩy sự thay đổi mang tính hệ thống, bao gồm cả sự chuyển dịch sang các mô hình tái sử dụng.
ASEAN có thành tích đáng nể về ngoại giao môi trường mạnh mẽ. Thái Lan, Philippines, Campuchia và Timor-Leste đã tham gia Liên minh tham vọng cao theo Công ước về Đa dạng sinh học, ủng hộ các mục tiêu đầy tham vọng để đạt được các mục tiêu đa dạng sinh học năm 2030.
Việt Nam đã có những bước đi táo bạo khi đề xuất Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) khẳng định nghĩa vụ của các quốc gia trong việc chống biến đổi khí hậu, nhấn mạnh rằng các quốc gia phải ngăn chặn tác hại đến hệ thống khí hậu toàn cầu và hợp tác thiện chí để giải quyết các thách thức về khí hậu.
Tương tự như vậy, Indonesia đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về luật biển), góp phần bảo vệ môi trường biển và ngăn ngừa ô nhiễm, những nỗ lực vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Những ví dụ này chứng minh tiềm năng của ASEAN trong việc tác động hiệu quả đến các khuôn khổ toàn cầu, bao gồm Hiệp ước nhựa toàn cầu.
Dữ liệu khoa học và mô hình từ các tổ chức như OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải loại bỏ ô nhiễm nhựa để đảm bảo một hành tinh đáng sống. Sự đồng thuận khoa học rất rõ ràng: việc điều chỉnh hiệp ước theo mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C không chỉ đòi hỏi các biện pháp về phía cầu, mà còn phải hạn chế đáng kể nguồn cung. Điều này phù hợp với các bài học từ Hội nghị lần thứ 16 các Bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (CBD COP 16), nơi các nước ASEAN như Philippines đóng vai trò chủ chốt, ủng hộ các cơ chế tài chính công bằng, quyền IP&LC và các chương trình liên kết khí hậu-đa dạng sinh học.
Malaysia và Indonesia cũng nhấn mạnh các cam kết tài chính để bảo vệ đa dạng sinh học, thể hiện tiềm năng lãnh đạo khu vực mạnh mẽ. Những thành công này sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo ASEAN ưu tiên lợi ích công cộng trong INC5. Các cuộc đàm phán kéo dài 6 ngày tại Busan là cơ hội quan trọng để ASEAN vươn lên trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu, ủng hộ sức khỏe cộng đồng và tính bền vững của môi trường.
Giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa đòi hỏi phải giảm sản xuất, ngăn chặn mất đa dạng sinh học và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Bất kỳ chính phủ ASEAN nào thông qua một hiệp ước mà không có các điều khoản chặt chẽ về polyme, hóa chất đáng lo ngại và “nhựa có vấn đề”, đều làm suy yếu các mục tiêu của hiệp ước.
Để được ghi nhớ là những người tiên phong trong nền kinh tế bền vững, các nhà lãnh đạo ASEAN cần hành động quyết đoán, ưu tiên sức khỏe cộng đồng và môi trường hơn là lợi ích của ngành nhiên liệu hóa thạch.
Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)