Ðất làng Hậu Trạch

Ðất làng Hậu Trạch
6 giờ trướcBài gốc
Chùa cổ Thạch Tuyền trên đất làng Hậu Trạch.
Về quá trình hình thành nên vùng đất Nga Thạch nói chung, Hậu Trạch nói riêng, theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Nga Thạch: “Sông Lèn - một phân lưu của sông Mã, từ Ngã Ba Bông, qua đất Hà Trung, đổ ra biển ở cửa Lạch Sung, trước khi ra với biển đã uốn cong hình vành khuyên ôm gần hết vùng đất Nga Thạch, tạo cho toàn xã thế đất ba mặt là sông. Sông Mã với dòng chảy mạnh nhưng khi phân nước cho sông Lèn đã êm dịu hơn, với lượng phù sa lớn đã góp phần bồi đắp cho đồng đất Nga Thạch thêm màu mỡ”. Và “do sự bồi đắp nhanh chóng của phù sa ven biển, nhất là vùng từ Lạch Sung đến Lạch Càn, vùng đất cửa sông Nga Thạch xưa đã nhanh chóng lùi sâu, trở thành vùng cận biển. Quá trình tích tụ, bồi đắp và “ngọt hóa” đã làm cho vùng đất Nga Thạch trở thành vùng đồng bằng ven biển, đất đai phì nhiêu, màu mỡ...”.
Trên đất Nga Thạch, làng Hậu Trạch có lịch sử lập dựng sớm nhất. Thuở xa xưa, làng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, như: Vạn Chài, Thạch Tuyền Vạn, Bảo Đạc và đến thời Nguyễn, làng được biết đến với tên Hậu Trạch.
Làng Hậu Trạch được lập dựng vào thời Lý. Bấy giờ, một số người dân làm nghề đánh cá đã đến đây, tụ cư ở vùng đất có tên Bái Lưới (được hiểu là nơi dân chài phơi lưới đánh cá). Do việc đánh bắt cá thuận lợi nên mỗi ngày có thêm nhiều người đến Bái Lưới. Qua thời gian, dân cư đông đúc, từ Bái Lưới đã nên làng Vạn Chài, người dân chuyên nghề đánh bắt cá và cửa sông Lèn bấy giờ trở thành nơi neo đậu của thuyền bè đánh bắt.
Đến khoảng cuối thời Lý, cuộc sống từng bước ổn định, người dân làng Vạn Chài đã cùng nhau chung sức xây dựng nên chùa Thạch Tuyền. Sau đó, tên làng cũng được đổi tên thành Thạch Tuyền Vạn.
Vào thời Hậu Lê, Thạch Tuyền Vạn đã trở thành một vùng dân cư đông đúc, việc học hành cũng được người dân coi trọng, đề cao. “Các cụ trong làng tự hào về sự hiếu học đã lấy câu của 72 người học trò ca ngợi đức Khổng Tử “Dĩ phu tử như Mộc Đạc” và đặt tên làng là Bảo Đạc (Mộc Đạc là cái mõ gỗ quý của đức thánh hiền, đánh đâu kêu đó, kêu rất dài và to, ý nói ca ngợi thầy Khổng Tử học rộng, tài cao, kinh sử thông thạo)” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Nga Thạch).
Trải qua thời gian, cùng với nỗ lực mưu sinh, người dân đất Vạn Chài xưa - Hậu Trạch ngày nay không ngừng sáng tạo, vun đắp nên các giá trị văn hóa, gắn liền với đời sống tinh thần. Là những công trình kiến trúc tín ngưỡng tâm linh được dựng xây từ biết bao tâm huyết của các thế hệ người dân trong làng như đình, chùa, đền. Trong đó, chùa Thạch Tuyền trên đất Hậu Trạch là một trong những công trình kiến trúc cổ xưa, còn được giữ gìn đến ngày nay.
Theo truyền ngôn dân gian và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương, chùa Thạch Tuyền được khởi dựng vào thời Lý - Trần. “Tên chùa thể hiện niềm mơ ước của người dân nơi đây về làng quê mình. “Thạch” có nghĩa là đá, biểu thị sự bền vững, rắn chắc. “Tuyền” có nghĩa là dòng suối, suối thì phải có nước, là nguồn gốc đầu tiên của sự sống muôn loài. Nước còn là điều kiện quyết định đối với đời sống cư dân nông nghiệp trồng lúa” (sách Chùa xứ Thanh).
Chùa Thạch Tuyền tọa lạc ở phía Đông Bắc làng Hậu Trạch. Chùa “ngoảnh” hướng Nam, có sông chảy qua, có đồng ruộng tốt tươi bao bọc, lại có xóm làng quần tụ... tạo nên cảnh sắc làng quê thật sự yên bình.
Buổi ban đầu, chùa Thạch Tuyền được dựng bởi tranh tre, lợp lá. Đến khoảng giữa thế kỷ 18, chùa được dựng lại kiên cố. Trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay di tích vẫn mang nhiều dấu tích kiến trúc cổ xưa. Trong đó, nổi bật là cổng tam quan bề thế, mang nhiều ý nghĩa. Bên trong chùa Thạch Tuyền hiện còn lưu giữ nhiều tượng Phật bằng gỗ cổ xưa. Bên cạnh đó là nhiều đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến.
Văn bia lưu giữ tại đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn.
Tuy nhiên những năm gần đây, chùa cổ Thạch Tuyền có nhiều dấu hiệu xuống cấp, mái ngói thủng, vỡ khiến cho bên trong di tích “nắng chiếu, mưa dột”. Bà Mai Thị Vui, người dân làng Hậu Trạch làm công quả tại chùa, cho biết: “Cùng với các di tích, chùa Thạch Tuyền là “điểm tựa” tâm linh cho người dân trong làng nói riêng, du khách đến tham quan di tích nói chung. Mong rằng, cùng với tấm lòng phát tâm công đức của người dân địa phương, phật tử xa gần và sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, chùa Thạch Tuyền sẽ sớm được trùng tu nhằm giữ gìn vẻ đẹp của di tích”.
Bên cạnh chùa Thạch Tuyền là đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn (người dân địa phương thường gọi là đền Quan Thám) - vị danh sĩ xứ Thanh nổi tiếng thời Nguyễn. Ông vốn con nhà dòng dõi thi thư, tư chất lại thông minh, từ nhỏ đã ham học, có năng khiếu văn chương, lớn lên theo con đường khoa cử. Dưới thời Thiệu Trị, ông đỗ Thám Hoa. Tương truyền, ông vốn tên Mai Thế Tuấn, sau khi thi đỗ đã được vua cho đổi tên thành Mai Anh Tuấn. Trong những năm tháng làm quan, Mai Anh Tuấn tỏ rõ là người văn võ toàn tài. Ông mất trong một lần đang đánh giặc ở vùng đất Thất Khê (thuộc Lạng Sơn ngày nay).
Sau khi Thám hoa Mai Anh Tuấn qua đời, với niềm cảm mến và thương tiếc vị danh sĩ tài hoa, người dân Hậu Trạch cùng với con cháu dòng họ Mai đã lập đền thờ ông trên đất quê nhà. Đến nay, đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Ngày nay, tại đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị. Nổi bật trong đó là các văn bia.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh làng, ông Mai Văn Kiệm, một người cao tuổi làng Hậu Trạch, tự hào: “Ngoài chùa Thạch Tuyền, đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn thì làng Hậu Trạch còn có đền Trung, đền Đông, đền Đoài, và đình làng... Mỗi di tích đều mang nét đẹp kiến trúc, giá trị tín ngưỡng tâm linh riêng. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại vẫn được đời nối đời các thế hệ người dân Hậu Trạch giữ gìn. Và gắn liền với hệ thống các di tích, ở Hậu Trạch còn có những lễ hội văn hóa mang nét đẹp tín ngưỡng của người dân, như lễ hội Khai hạ, lễ hội Kỳ phúc diễn ra ở đình làng dịp đầu xuân; lễ hội chùa Thạch Tuyền...”.
Về thăm Hậu Trạch, du khách dễ cảm nhận được những nét đẹp vốn có của một làng quê truyền thống. Là chùa làng cổ kính, đền thờ uy nghiêm, đình làng rộng rãi, bóng mát cây xanh... và những sinh hoạt đời thường giản dị của người dân địa phương... Tất cả, đã quện hòa, tạo nên vẻ đẹp của đất và người làng Hậu Trạch.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/dat-nbsp-lang-hau-trach-34047.htm