Năm 2024, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia dẫn đầu châu Á về mức tăng trưởng pickleball.
Tháng 10-2024, Lý Hoàng Nam, tay quần vợt hàng đầu của Việt Nam đã chuyển hướng sang tham dự Giải Pickleball PPA Tour Úc - Việt Nam Open 2024 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Rẽ sang xu hướng mới
Đây là giải đấu cấp độ chuyên nghiệp đầu tiên của môn pickleball có sự tham gia của nhiều VĐV chuyên nghiệp từ quần vợt chuyển sang. Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, tay vợt gốc Tây Ninh Lý Hoàng Nam đã nhiều lần góp mặt ở các giải đấu pickleball và không còn xuất hiện tại các giải quần vợt quốc tế.
Quần vợt Việt Nam không chỉ "mất" đi Lý Hoàng Nam mà còn "thất thoát" cả những tay vợt kỳ cựu như Trịnh Linh Giang, hay Sophia Huỳnh Trần Ngọc Nhi, Trương Vinh Hiển… cùng không ít tay vợt chuyên nghiệp khác cũng rẽ sang xu hướng mới - pickleball.
Trong năm 2024, các giải đấu và sân bãi chuyên dụng cho pickleball phát triển rất mạnh, phong trào chơi môn này tạo nên cơn "sốt" tại TP HCM, Hà Nội, các thành phố lớn khác và cả Phú Quốc. Nhiều giải đấu quốc tế và trong nước đã được tổ chức, trong đó có một số giải quốc tế nổi bật như: PPA Tour Úc - Việt Nam Open, Pickleball châu Á mở rộng, Pickleball PWR Thủ Đức HTV DJOY mở rộng và Giải Vô địch Pickleball Thế giới.
Nhiều VĐV quần vợt tên tuổi đã chuyển hướng sang chơi pickleball. Ảnh: THẠO HOÀNG
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF), cho biết VTF đã có định hướng cho các liên đoàn địa phương và hội viên trên cả nước sáp nhập thêm bộ môn pickleball từ năm 2024. Điều này sẽ giúp chủ động đào tạo, quản lý và phát triển bền vững cả 2 môn.
VTF cũng đã có kế hoạch phát triển song song bộ môn quần vợt và pickleball cho 4 khu vực trên cả nước (đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, miền Trung Tây Nguyên, Bắc miền Trung). Trong năm 2025, VTF sẽ luân phiên tổ chức nhiều giải quần vợt - pickleball phong trào kết hợp với các CLB thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề trên cả nước, dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức giải quần vợt - pickleball giáo viên toàn quốc.
Vẫn chú trọng đầu tư cho quần vợt
Theo VTF, dù pickleball đang là trào lưu song liên đoàn vẫn chú trọng đầu tư cho quần vợt. Dự kiến trong năm 2025, số lượng giải đấu của bộ môn quần vợt sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2024, bao gồm các giải năng khiếu thanh thiếu niên, đồng đội trẻ từ U8 đến U18, các giải VĐQG, quốc tế trẻ và quốc tế nhà nghề (sẽ có hơn 40 giải chuyên nghiệp dành cho bộ môn quần vợt). VTF sẽ đăng cai tổ chức 6 giải quốc tế U14, 2 giải U18 và 6 giải Men's Futures, 8 giải M15 (nam - nữ) hay đăng cai Davis Cup nhóm 3.
Một số nội dung khác cũng sẽ được VTF thực hiện trong năm 2025 và những năm tiếp sau, như thành lập học viện huấn luyện và đào tạo quần vợt quốc gia và quốc tế. VTF đã và đang làm việc với các đối tác quốc tế, phối hợp với các đối tác chuyên môn có uy tín quốc tế về quần vợt để liên kết tổ chức Học viện Quần vợt.
Ngoài ra, VTF cũng sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp địa phương có quan tâm về quần vợt nhằm tạo ra những trung tâm huấn luyện đào tạo quần vợt quốc gia ở Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Kỳ vọng rằng từ các cơ sở này, sẽ giúp đào tạo ra nhiều lớp VĐV quần vợt trẻ tài năng cho Việt Nam trong tương lai.
Một trong những mục tiêu quan trọng của quần vợt Việt Nam trong năm 2025 là chuẩn bị cho SEA Games 33 vào cuối năm tại Thái Lan. Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết VTF đang làm việc với các VĐV tiêu biểu như Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang... mời các VĐV này thi đấu cho đội tuyển tại SEA Games 33. Song song đó là việc trẻ hóa lực lượng, mời các VĐV gốc Việt để hướng đến thành tích tốt nhất cho quần vợt Việt Nam ở SEA Games 33.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-2
QUỐC AN