Ông Brent Stewart, Phó Tổng Lãnh sự Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tới báo chí trong một sự kiện ở Lâm Đồng. (Ảnh: HẢI YẾN)
Cam kết này được thể hiện rõ nét thông qua nhiều chương trình hợp tác cụ thể trên khắp Việt Nam, trong đó nổi bật là Dự án "Các hệ thống sản xuất kháng bệnh bền vững ở khu vực Mekong" giai đoạn 2023-2028. Dự án tập trung vào việc bảo vệ ngành sắn, sinh kế quan trọng của hàng triệu nông hộ nhỏ lẻ trên cả nước, khỏi các dịch bệnh nguy hiểm và tình trạng thoái hóa đất.
Hiện đang được triển khai tại 3 vùng sinh thái gồm Tây Ninh, Đồng Nai và Đắk Lắk, dự án nghiên cứu phát triển và phổ biến các dòng sắn lai ưu tú, hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp sắn cạnh tranh và bền vững trong khu vực Mekong.
Các chuyên gia nghiên cứu của Dự án "Các hệ thống sản xuất kháng bệnh bền vững ở khu vực Mekong".
Dự án này là một phần trong loạt sáng kiến hợp tác do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), cơ quan trực thuộc Chính phủ Australia, tài trợ và triển khai. ACIAR là đơn vị đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu nông nghiệp giữa Australia và Việt Nam. Kể từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1993, ACIAR đã triển khai tổng cộng 261 dự án với ngân sách lên tới 184 triệu AUD, góp phần nâng cao năng suất, khả năng thích ứng và phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Brent Stewart cho biết: “Người dân Việt Nam thường biết đến Australia qua giáo dục và thương mại, nhưng thực tế, hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua các chương trình như của ACIAR, chính là minh chứng rõ nét cho cam kết lâu dài của Australia trong việc đồng hành cùng Việt Nam giải quyết các thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu, suy thoái đất và an toàn thực phẩm”.
Phó Tổng Lãnh sự Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh (phải) thông tin tới báo chí trong một sự kiện ở Lâm Đồng. (Ảnh: HẢI YẾN)
Chiến lược hợp tác ACIAR-Việt Nam giai đoạn 2017-2027 đã thể hiện sự chuyển dịch từ mối quan hệ viện trợ sang mô hình đối tác bình đẳng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân, phụ nữ và cộng đồng dân tộc thiểu số trong hệ sinh thái nông nghiệp.
Hơn 120 nhà khoa học Việt Nam đã nhận học bổng và được đào tạo tại Australia, hiện đóng vai trò nòng cốt trong nghiên cứu và chuyển giao tri thức tại địa phương.
Thông qua cách tiếp cận đồng thiết kế giải pháp cùng người dân và doanh nghiệp, các dự án do Australia hỗ trợ không chỉ mang lại giá trị nghiên cứu mà còn thúc đẩy các mô hình phát triển nông nghiệp thực tiễn.
Đây là nền tảng quan trọng cho quá trình chuyển đổi sang một nền nông nghiệp bền vững hơn, có khả năng chống chịu tốt, sinh lời cao và bảo đảm sinh kế lâu dài cho các thế hệ tương lai tại Việt Nam.
HẢI YẾN