Australia phê duyệt vaccine tăng cường mới ngăn ngừa COVID-19

Australia phê duyệt vaccine tăng cường mới ngăn ngừa COVID-19
3 giờ trướcBài gốc
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Dubbo, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Loại vaccine này do hãng Pfizer hợp tác với hãng Moderna sản xuất nhắm vào biến thể phụ JN.1 của Omicron. Đây hiện là phiên bản thứ 5 của vaccine phòng COVID-19, được cập nhật thường xuyên để theo kịp chủng virus đang phát triển nhanh chóng SARS-CoV-2.
Vaccine tăng cường JN.1 của Pfizer và Moderna được bào chế dựa trên công nghệ mRNA, theo đó các tế bào trong cơ thể con người tạo ra một loại protein cụ thể - trong trường hợp này là gai của SARS-CoV-2, một loại protein trên bề mặt virus cho phép nó bám vào các tế bào. Điều này giúp hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể nhận biết protein đột biến và cản trở virus xâm nhập vào các tế bào.
Để đáp ứng các phản ứng miễn dịch được tăng cường của con người từ việc tiêm chủng và lần nhiễm virus trước đó (được gọi là áp lực miễn dịch), SARS-CoV-2 đã tiếp tục phát triển trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, làm thay đổi hình dạng của protein để làm giảm hiệu quả hoạt động của các kháng thể của con người. Gần đây nhất, thế giới đã phải đối mặt với một loạt các biến thể phụ của Omicron, bao gồm cả JN.1. Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên hồi tháng 8/2023, JN.1 đã sinh ra nhiều biến thể phụ khác, chẳng hạn như KP.2 (được gọi là FLiRT), KP.3 (được gọi là FLuQE) và XEC.
Protein đột biến được tạo thành từ 1.273 axit amin và khiến cho từng axit amin bị thay đổi. Một số axit amin đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các kháng thể trung hòa liên kết với loại protein này. Điều này có nghĩa là những thay đổi có thể mang lại lợi thế cho virus SARS-CoV-2 so với các biến thể trước đó, giúp virus né tránh phản ứng miễn dịch của con người. Vì vậy, các nhà khoa học đã liên tục cập nhật vaccine ngừa COVID-19 nhằm theo kịp những thay đổi này.
Con người đã quen với việc tiêm vaccine cúm hàng năm trước mùa cúm. Tuy nhiên, khác với bệnh cúm, COVID-19 vẫn chưa ổn định theo mùa hàng năm, và dễ lây truyền hơn cúm. Uớc tính, một người nhiễm JN.1 có thể lây nhiễm cho 5 người, trong khi với bệnh cúm theo mùa, một người nhiễm bệnh có thể lây cho 1,3 người. Nói cách khác, COVID-19 có thể lây truyền cao gấp 4 lần so với bệnh cúm.
Thêm vào đó, khả năng miễn dịch sau khi tiêm phòng COVID-19 (hoặc sau lần nhiễm virus trước đó) bắt đầu suy yếu trong những tháng sau đó. Vì vậy, các mũi tiêm tăng cường ngừa COVID-19 hàng năm được cho là chưa đủ đối với một số người dễ bị tổn thương. Các chuyên gia y tế của Australia cho rằng đối với những người từ 65-74 tuổi, nên tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 1 năm một lần, nhưng họ cũng đủ điều kiện để tiêm 6 tháng một lần. Còn đối với người trên 75 tuổi, nên tiêm 6 tháng một lần. Những người từ 18-64 tuổi nên tiêm 1 năm một lần, trừ khi họ bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng thì chỉ cần 6 tháng là họ có thể tiêm nhắc lại.
Theo giới chức y tế Australia, vaccine nhắm mục tiêu vào JN.1 sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt chống lại các biến thể phụ của Omicron có nguy cơ lưu hành trong những tháng tới. Trước khi triển khai các mũi tiêm JN.1, Nhóm Tư vấn kỹ thuật tiêm chủng của Australia sẽ cung cấp các hướng dẫn. Dự kiến việc triển khai các mũi tiêm này sẽ diễn ra trong vòng một tháng tới.
Thanh Tú (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/australia-phe-duyet-vaccine-tang-cuong-moi-ngan-ngua-covid19-20241118114353693.htm