Thành công này không chỉ mở ra cánh cửa cho nghiên cứu sinh sản của loài thú có túi, mà còn là hy vọng lớn trong việc bảo tồn các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Các nhà khoa học đã tiêm trực tiếp một tinh trùng vào trứng. (Nguồn: Đại học Queensland)
Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã tạo ra phôi thai kangaroo bằng cách tiêm một tinh trùng duy nhất vào trứng, sử dụng kỹ thuật ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương noãn).
Tiến sĩ Andres Gambini, trưởng nhóm nghiên cứu, gọi đây là một "thành tựu mang tính đột phá", có thể trở thành công cụ quan trọng trong việc bảo tồn các loài thú có túi có nguy cơ tuyệt chủng như gấu túi (koala), quỷ Tasmania, gấu túi mũi lông phương Bắc và chồn túi Leadbeater.
Bảo tồn sự đa dạng di truyền là yếu tố then chốt trong việc duy trì quần thể động vật khỏe mạnh. Tiến sĩ Gambini nhấn mạnh rằng, khi một loài bắt đầu suy giảm, sự đa dạng di truyền cũng giảm theo, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như cận huyết. Việc lưu trữ và tái tạo nguồn gen quý hiếm thông qua IVF có thể giúp khắc phục tình trạng này.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu đã tạo ra phôi thai bằng cách sử dụng tinh trùng và trứng từ những con chuột đã chết. Điều này mở ra cơ hội lớn trong việc bảo tồn di truyền của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
IVF đã được sử dụng thành công trên động vật nuôi trong nhiều thập kỷ, đặc biệt trong ngành chăn nuôi gia súc, nhưng việc áp dụng phương pháp này cho động vật có túi gặp nhiều khó khăn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những kiến thức từ động vật nuôi không thể áp dụng trực tiếp cho thú có túi do sự khác biệt sinh học.
Một trong những trở ngại lớn nhất là việc đông lạnh và bảo quản tinh trùng của các loài thú có túi, điều mà giới khoa học vẫn đang tìm cách hoàn thiện.
Ngoài ra, loài chuột túi có một cơ chế sinh sản đặc biệt: phôi có thể tạm dừng phát triển trong cơ thể con cái trong nhiều tháng cho đến khi điều kiện môi trường thuận lợi. Hiểu rõ hơn về hiện tượng này có thể giúp ích cho không chỉ động vật hoang dã, mà còn cả lĩnh vực y học sinh sản ở con người.
Theo Tiến sĩ Gambini, dù công nghệ này đầy hứa hẹn, nhưng phải mất ít nhất một thập kỷ nữa mới có thể chứng kiến một loài thú có túi được sinh ra bằng phương pháp IVF. Việc tiếp tục nghiên cứu để tìm ra loài động vật cái phù hợp để mang thai hộ, xác định thời điểm cấy phôi lý tưởng và cải tiến phương pháp bảo quản tinh trùng, trứng là những thách thức tiếp theo.
Xuân Minh