Ngày 27/6/2025, Tesla đã ghi dấu mốc trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô khi một chiếc Tesla Model Y tự lái hoàn toàn từ nhà máy Gigafactory ở Austin, Texas, đến tận nhà khách hàng, không cần tài xế hay sự can thiệp từ xa nào.
Sự kiện này là một thành tựu của Tesla và mở ra một chương mới cho tương lai của xe tự lái, nơi công nghệ Autopilot hay còn gọi là hệ thống lái tự động hoàn toàn (FSD - Full Self-Driving) dần dần thay đổi cách chúng ta di chuyển, mua sắm và tương tác với phương tiện giao thông.
Chiếc Tesla Model Y tự lái hoàn toàn từ nhà máy Gigafactory ở Austin, Texas, đến tận nhà khách hàng.
Từ viễn tưởng đến thực tế xã hội
Trong một đoạn video dài 30 phút được Tesla công bố, chiếc Model Y đã tự mình vượt qua các cung đường đa dạng: từ bãi đỗ xe của nhà máy, qua đường cao tốc I-35, đến các khu phố ngoại ô và cuối cùng dừng lại ngay dưới tòa nhà của khách hàng. Tốc độ tối đa đạt 115km/h, và xe đã tuân thủ luật giao thông, xử lý mượt mà các tình huống như đèn giao thông, ngã rẽ và tránh chướng ngại vật. Elon Musk, CEO của Tesla, gọi đây là “chuyến lái xe hoàn toàn tự động đầu tiên trên đường công cộng mà không có người trong xe hay điều khiển từ xa”.
Ý tưởng về xe tự lái từng chỉ tồn tại trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, giờ đây, nó đang trở thành hiện thực. Dù Tesla không phải là công ty duy nhất theo đuổi công nghệ này, nhưng việc để một chiếc xe tự lái hoàn toàn từ nhà máy đến tay khách hàng đánh dấu một bước tiến vượt bậc về tính ứng dụng thực tiễn.
Thành công của Tesla mở ra viễn cảnh về một tương lai nơi việc mua xe có thể đơn giản như đặt hàng trực tuyến và chờ xe tự đến tận cửa. Cách thức này có thể làm sẽ thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng trong ngành ô tô. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi.
Nếu xe có thể tự lái đến tay khách hàng, các hãng xe sẽ không còn cần đội ngũ tài xế vận chuyển hay các công ty logistics trung gian. Chi phí cho doanh nghiệp sẽ giảm, nhưng đồng thời cũng gây ra nguy cơ mất nhiều việc làm trong ngành vận tải. Thêm nữa, dù Tesla tuyên bố chiếc Model Y đã tuân thủ mọi quy định giao thông, các vấn đề an toàn vẫn là tâm điểm tranh cãi. Vấn đề trách nhiệm trong các vụ tai nạn liên quan đến xe tự lái cũng cần được làm rõ, đòi hỏi khung pháp lý mới phù hợp.
“Xe tự lái có tiềm năng lớn trong lĩnh vực vận tải công cộng và logistics tại Việt Nam. Các thành phố như Đà Nẵng hoặc Phú Quốc có thể triển khai thử nghiệm do điều kiện giao thông đơn giản và đồng bộ hơn những thành phố khác. Tuy nhiên, chi phí phát triển công nghệ và lắp đặt hạ tầng như 5G và cảm biến mặt đường là những khó khăn lớn, đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân”.
PGS.TS Phạm Văn Hùng, Đại học Giao thông Vận tải
Cơ hội cho sự thay đổi bộ mặt giao thông Việt Nam
Trung Quốc giờ đang nổi lên như là một quốc gia tiên phong trong thử nghiệm xe tự lái tại hơn 54 thành phố, đi đầu là các trung tâm công nghệ cao như Thâm Quyến, Vũ Hán, Thượng Hải, Bắc Kinh... những nơi đã triển khai mạnh mẽ các chương trình thử nghiệm robotaxi, xe buýt tự lái và giao hàng tự động.
Cả bốn thành phố nói trên đều nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền trung ương và địa phương, như Thâm Quyến đi đầu với luật riêng về xe tự lái. Bắc Kinh tập trung vào tích hợp hạ tầng thông minh, còn Vũ Hán ưu tiên thương mại hóa robotaxi.
Vũ Hán, Trung Quốc là nơi đang phát triển mạnh mạng lưới robotaxi.
Tại Việt Nam, công nghệ xe tự lái vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng nhiều chuyên gia trong nước tin rằng, đây là một lĩnh vực hứa hẹn tiềm năng lớn. TS Nguyễn Xuân Thắng, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng: “Xe tự lái có thể giải quyết các vấn đề giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nơi ùn tắc và tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối. Công nghệ này có thể giảm thiểu tai nạn do lỗi con người (lỗi chiếm hơn 90% tai nạn giao thông tại Việt Nam). Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, chưa sẵn sàng cho xe tự lái do thiếu đường thông minh và hệ thống giao thông tích hợp”. Ông Thắng đề xuất Việt Nam nên học hỏi mô hình của Trung Quốc, đặc biệt Bắc Kinh và Thâm Quyến về cách tích hợp hạ tầng đám mây và đường thông minh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam: “Xe tự lái trong tương lai có thể thay đổi sâu sắc ngành vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực xe khách liên tỉnh và giao hàng tự động. Tuy nhiên, sự phát triển của xe tự lái có thể làm mất việc làm của hàng chục nghìn tài xế, tương tự như lo ngại của cộng đồng tài xế taxi tại Vũ Hán”.
Đây một ý tưởng hấp dẫn, thể hiện tham vọng của hãng trong việc cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, việc này hiện chưa khả thi trên diện rộng, đặc biệt là ở những khu vực giao thông chưa thực sự chuẩn hóa như nước ta. Bản thân hệ thống tự lái của Tesla chưa đạt mức độ tự động hoàn toàn cấp 5, và còn bị hạn chế bởi luật pháp tại nhiều quốc gia. Tôi cho rằng giao xe bằng chế độ tự lái là viễn cảnh tiềm năng nhưng cần thêm nhiều bước phát triển công nghệ, sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông và điều chỉnh chính sách pháp lý nếu muốn trở thành hiện thực.
Nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ, Việt Nam cần hành động nhanh để không bị tụt hậu trong cuộc đua xe tự lái toàn cầu. Ứng dụng xe tự lái ở Việt Nam có thể tối ưu hóa luồng giao thông và giảm tai nạn do lỗi con người. Các công ty sản xuất xe thuần điện như VinFast có thể tích hợp công nghệ tự lái vào xe tải hoặc xe giao hàng, giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả trong ngành thương mại điện tử.
Mặc dù Việt Nam chưa có khung pháp lý và quy định cụ thể về xe tự lái, nhưng nếu có được sự ủng hộ cơ chế thử nghiệm từ Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ những khu vực quy mô nhỏ và độc lập để có thể tích lũy kinh nghiệm và phát triển hệ thống cho riêng mình.
Công nghệ Autopilot và các hệ thống lái tự động hoàn toàn (FSD - Full Self-Driving) dần dần thay đổi cách chúng ta di chuyển, mua sắm và tương tác với phương tiện giao thông.
Sự kiện Tesla Model Y tự lái đến tay khách hàng là lời tuyên ngôn về tương lai của giao thông. Với Autopilot, Tesla đang biến giấc mơ về xe tự lái dân dụng thành hiện thực, cho dù mọi thứ vẫn chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Khi xe tự lái có thể chứng minh được độ an toàn và tin cậy, thế giới sẽ đối diện với những thay đổi lớn từ cách chúng ta mua xe ô tô, cách vận hành của ngành logistics và đặc biệt là bộ mặt giao thông đô thị. Đó sẽ là ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới. Tương lai đó, dường như đang đến gần hơn bao giờ hết.
Gia Minh/VOV.VN