Cách đây 20 năm, vào khoảng 1 giờ sáng 26-12-2004, một trận động đất ở Ấn Độ Dương gần Indonesia đã gây ra chuỗi sóng thần khiến gần 250.000 người thiệt mạng.
Đây là thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất trong thế XXI tính đến thời điểm hiện tại và có lẽ là thảm họa sóng thần chết chóc nhất trong lịch sử loài người, để lại những hậu quả lâu dài, theo trang tin The Conversation.
Các chuyên gia về sóng thần cho hay sự kiện năm 2004 đã định hình lại hệ thống quản lý thảm họa toàn cầu. Trong số những bài học rút ra kể từ ngày đó, có ba chủ đề nổi bật.
Đầu tiên là tầm quan trọng của các hệ thống cảnh báo sớm, cung cấp thời gian đủ để người dân thoát khỏi vùng chịu ảnh hưởng. Thứ hai là tầm quan trọng của các biện pháp chuẩn bị tại địa phương và giáo dục người dân về các rủi ro. Cuối cùng là nhu cầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa tại bờ biển.
Một khu vực tại Banda Aceh (Indonesia) sau trận sóng thần năm 2004. Ảnh: AFP
Sự phát triển của các hệ thống cảnh báo sớm
Việc thiếu một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện là một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại thảm khốc về người và của trong thảm họa năm 2004.
Kể từ sự kiện này, chính phủ nhiều nước đã phê duyệt nhiều khoản đầu tư đáng kể, bao gồm hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương hoạt động trên 27 quốc gia. Hệ thống này được đánh giá là hoạt động tương đối hiệu quả.
Vào năm 2012, khi một trận động đất xảy ra tại một khu vực của Indonesia, hệ thống này đã đưa ra cảnh báo liên tục. Tương tự, khi một trận động đất xảy ra tại Noto (Nhật) vào tháng 1-2024, hệ thống đã nhanh chóng đưa ra cảnh báo sóng thần, giúp ban hành lệnh sơ tán, cứu được nhiều mạng người.
Tuy nhiên, các hệ thống này không được sử dụng trên toàn cầu và không thể cảnh báo sóng thần quét qua quần đảo Tonga vào năm 2022 sau vụ phun trào của một ngọn núi lửa dưới biển ở Nam Thái Bình Dương.
Các chuyên gia cho rằng để đảm bảo hiệu quả trong việc cảnh báo sóng thần, các hệ thống cảnh báo cần được lắp đặt rộng rãi. Ngoài ra, việc giám sát kỹ càng hoạt động của núi lửa sẽ giúp phát hiện tốt hơn các dấu hiệu ban đầu của sóng thần.
Mô hình ứng phó sóng thần trong phòng thí nghiệm. Ảnh: THE CONVERSATION
Nâng cao nhận thức của người dân
Theo các chuyên gia, chỉ riêng hệ thống cảnh báo sớm là không đủ. Các nước vẫn cần các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức, các cuộc diễn tập sơ tán và các kế hoạch ứng phó thảm họa.
Những biện pháp này đã chứng minh được hiệu quả tại ngôi làng Jike (Nhật) – nơi bị sóng thần tấn công vào tháng 1-2024. Sau khi rút kinh nghiệm từ trận sóng thần lớn năm 2011 (trận sóng thần tấn công nhà máy điện hạt nhân Fukushima), các kỹ sư đã xây dựng các tuyến đường sơ tán mới đến nơi trú ẩn sóng thần. Mặc dù ngôi làng đã bị phá hủy, người dân làng Jike đã di tản lên nơi trú ẩn và không bị thương vong.
Vai trò của các biện pháp phòng ngừa kỹ thuật
Sau loạt sóng thần năm 2004, các quốc gia có nguy cơ bị sóng thần ảnh hưởng đã đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa kỹ thuật "cứng" bao gồm tường chắn sóng, đê chắn sóng ngoài khơi và đê chắn lũ.
Tuy nhiên, ở Nhật, một số biện pháp phòng ngừa kỹ thuật đã bị loại bỏ, với quan điểm rằng sóng thần quy mô lớn có thể áp đảo ngay cả những biện pháp phòng thủ kiên cố nhất. Ví dụ, vào năm 2011, ngay cả một đê chắn sóng và một bức tường cao 5 m cũng không thể bảo vệ khu vực Watari. Trận sóng thần đã bao phủ một nửa khu vực này và làm hàng trăm người thiệt mạng.
Các trận sóng thần trong những thập niên qua đã phơi bày những điểm yếu trong các chiến lược bảo vệ hiện có, khi các cuộc khảo sát cho thấy các đê chắn sóng và các công trình khác đã bị hư hại nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù chấp nhận việc các thiên tai có thể gây ra nhiều thiệt hại, nhưng điều quan trọng là một số cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn nhà máy điện, phải được thiết kế để có thể chống chọi với những trận sóng thần lớn nhất. Điều này đòi hỏi những người xây dựng phải nghiên cứu thêm về các thiết kế kỹ thuật phục hồi, làm sao để những công trình này dù có bị hỏng một phần nhưng vẫn hoạt động được.
Sau trận sóng thần năm 2011, các kỹ sư Nhật đã tạo ra hai mức đo sóng thần. Sóng thần cấp độ một thường xuyên hơn, có thể xảy ra một lần mỗi thế kỷ, nhưng ít nguy hiểm. Sóng thần cấp độ hai là những cơn sóng thần lớn mà bất kỳ vùng bờ biển nào cũng có thể đối mặt, chỉ xảy ra một lần sau khoảng 1.000 năm.
Các trận sóng thần năm 2004, năm 2011 là minh chứng của sóng thần cấp độ 2. Đây cũng chính là những cơn sóng thần mà nhà chức trách phải chuẩn bị ứng phó để giúp các cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy điện vẫn trụ vững. Các kỹ thuật hiện tại không thể ngăn chặn hoàn toàn một cơn sóng thần có quy mô như năm 2004, nhưng các kỹ thuật này có thể hạn chế ảnh hưởng đến các công trình quan trọng và kéo dài thời gian cho hoạt động sơ tán.
Đường bờ biển gần Jike, Nhật (trái) và tuyến đường sơ tán lên đỉnh đồi phía sau làng Jike. Ảnh: THE CONVERSATION
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng những tiến bộ về kỹ thuật cũng phải tính đến hậu quả về môi trường, bao gồm thiệt hại cho hệ sinh thái và sự gián đoạn của các quá trình phát triển ven biển của tự nhiên. Ngoài ra, những người xây dựng cũng cần cân nhắc đến các giải pháp dựa trên thiên nhiên. Việc gia cố các bãi đá, dùng bao cát nặng và trồng rừng ven biển làm vùng đệm có thể là giải pháp rẻ hơn và có lợi hơn mặt sinh thái so với việc xây dựng các bức tường cao.
Dù có các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro là vậy, chúng ta cũng cần ý thức rõ rằng biến đổi khí hậu nhanh chóng đang khiến mực nước biển dâng cao và gây nên các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn. Điều này không gây ra nhiều sóng thần hơn, nhưng có thể khiến các biện pháp phòng thủ "cứng" trở nên kém bền vững hơn trong dài hạn.
Bằng cách tiếp tục tìm hiểu thêm về sóng thần và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, chúng ta có thể giảm thiểu tác động của loại thảm họa này và có thể bảo vệ hàng triệu sinh mạng.
KHOA ĐIỀM