Bà bầu mắc cúm A ảnh hưởng thế nào?
Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus Influenza gây ra - loại virus thường gặp ở tất cả mọi lứa tuổi và đặc biệt là những nước có khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm như Việt Nam. Vì có khả năng tồn tại trong thời gian khá dài bên ngoài cơ thể nên virus cúm rất dễ lây lan trong cộng đồng.
Cúm A chủ yếu lây lan qua các giọt bắn khi ho và hắt hơi. Virus dễ lây truyền trong môi trường kín, đông đúc và thông gió kém như trường học, văn phòng, trung tâm mua sắm,… Ngoài ra, chạm vào các vật thể hoặc bề mặt bị nhiễm vi-rút rồi chạm vào niêm mạc của mình như miệng, mũi và mắt cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Bà bầu nhiễm cúm A có thể trải qua các triệu chứng như đau họng, hắt hơi, chảy nước mũi, đau mỏi toàn thân, đau đầu, mệt mỏi,…
Bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ TP Đà Nẵng cho biết: “Nếu ở thể nhẹ, cúm A sẽ khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến hạn chế trong việc cung cấp dinh dưỡng cho bé.
Nếu mẹ bị sốt cao, virus cúm A có thể gây kích thích mạnh đến sự co bóp tử cung, dẫn đến các nguy cơ như sảy thai, thai chết lưu hay đẻ non. Con khi sinh ra có thể bị nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng bẩm sinh”.
Thậm chí, mức độ nguy hiểm còn cao hơn nếu mẹ bầu mắc cúm A trong những tháng đầu thai kỳ.
Bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ TP Đà Nẵng
“Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, các cơ quan của thai nhi đang ở giai đoạn phát triển quan trọng. Sự xâm nhập của virus cúm A có thể làm tăng nguy cơ bất thường về phát triển của thai nhi, gây ra một số dị tật bẩm sinh cho con chẳng hạn như bệnh tim, hở hàm ếch, dị ứng hay hen suyễn. Trong nhiều trường hợp, bệnh cũng có thể tác động đến não gây tổn thương và tăng nguy cơ rối loạn tâm thần ở trẻ” – Bác sĩ Đào nói.
Thông thường cúm A kéo dài từ 3 – 4 ngày ở người bình thường, nhưng đối với bà bầu bị cúm A có thể tình trạng bệnh sẽ kéo dài tới 6-7 ngày là khỏi nếu không có dấu hiệu trở nặng. Vì cơ thể yếu ớt nên bệnh tình của các mẹ bầu sẽ rất nhanh chuyển biến nặng và có nguy cơ cao gặp các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.
Không chỉ vậy, tình trạng viêm phổi ở đối tượng này cũng nguy hiểm hơn do khi đó phổi yếu và khó để cung cấp đủ lượng oxy nhiều hơn người thường của mẹ bầu.
Phụ nữ mang thai phòng ngừa cúm A thế nào?
Để ngăn ngừa cúm A, cách tốt nhất là tiêm vacxin ngừa cúm. Tuy nhiên việc này cần làm từ khi có ý định chuẩn bị mang thai, khi đang mang thai thì việc tiêm vacxin là không nên.
Trong cuộc sống hàng ngày, phụ nữ mang thai nên duy trì thói quen vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang. Tránh nơi đông người và cố gắng giữ khoảng cách xã hội. Duy trì chế độ làm việc, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý cũng như tăng cường khả năng miễn dịch có thể giúp ngăn ngừa và điều trị cúm A.
Bác sĩ Đào khuyên phụ nữ mang thai nên chú ý theo dõi chặt chẽ những thay đổi về tình trạng của mình trong thời gian nhiễm cúm A.
“Nếu các triệu chứng tiếp tục xấu đi hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao và khó thở nên nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Về thuốc men, không nên tự ý sử dụng thuốc không kê đơn hoặc thuốc kháng sinh để tránh ảnh hưởng xấu đến thai nhi” – Bác sĩ Đào nói.
Dù thực hiện đầy đủ các biện pháp nhưng vẫn có tỉ lệ nhỏ có thể khiến bà bầu bị mắc cúm A. Do đó, bên cạnh phòng tránh, phụ nữ mang thai cũng cần tìm hiểu và biết về cáccách điều trị cơ bản cúm Ađể ứng dụng trong trường hợp mắc cúm A.
Thông tin về diễn biến bệnh cúm tại Việt Nam trong thời gian qua, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây.
Theo thống kê, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97% so với cùng kỳ năm 2024 (với 34.442 ca).
Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Hiện nay, ghi nhận tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… các bác sĩ đã tiếp nhận và đang điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm trong tình trạng nặng. Trong đó, có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO, bệnh nhân mắc bệnh cúm trên nền bệnh lý khác.
Thùy Linh