Từ tháng 4/2025, ba chính sách giáo dục quan trọng sẽ chính thức có hiệu lực, gồm: quy định mới về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học, chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm và quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, giáo viên dự bị đại học.
Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Siết chặt kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT ngày 17/2/2025, thay thế các thông tư liên quan trước đây về kiểm định chương trình đào tạo đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 4/4/2025.
Thông tư mới áp dụng quy trình kiểm định với chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm. Điều chỉnh các mức đánh giá tiêu chí từ 1-7 điểm sang mức đánh giá đạt và không đạt, có các tiêu chí điều kiện bắt buộc đáp ứng mức đạt, điều chỉnh số tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp.
Đáng chú ý, Thông tư 04 chính thức bãi bỏ một số quy định kiểm định dành riêng cho ngành đặc thù và đào tạo từ xa. Thay vào đó, việc kiểm định sẽ áp dụng chung cho tất cả các chương trình đào tạo, hướng đến một hệ thống đảm bảo chất lượng đồng bộ hơn.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng điều chỉnh các quy định liên quan đến tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và hội đồng kiểm định, đồng thời cải tiến biểu mẫu để tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện.
Điều chỉnh chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/4/2025.
Một trong những thay đổi quan trọng là phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm. Theo đó, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ thông qua giao dự toán theo phân cấp ngân sách. Các địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên có thể lựa chọn phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo thay vì hình thức đấu thầu.
Những điều chỉnh này giúp đảm bảo kinh phí hỗ trợ đến sinh viên đúng hạn, đồng thời khắc phục tình trạng một số địa phương gặp khó khăn trong cân đối ngân sách. Ngoài ra, Nghị định 60 cũng: Làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ sở đào tạo giáo viên; Hướng dẫn chi tiết thủ tục nộp tiền bồi hoàn với sinh viên thuộc diện phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ; Bổ sung quy định về ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách, đảm bảo triển khai đồng bộ trên cả nước.
Đặc biệt, quy định chuyển tiếp được bổ sung để đảm bảo sinh viên sư phạm từ năm học 2021-2022 đến hết năm học 2024-2025 vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ theo nguyên tắc ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu.
Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học
Ảnh minh họa: Ngân Chi
Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 22/4/2025, quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trường dự bị đại học. Thông tư này thay thế hai văn bản trước đó là Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT.
Theo quy định mới, mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá hai nhiệm vụ, tránh trường hợp giáo viên bị phân công làm quá nhiều việc ngoài chuyên môn, giúp đảm bảo giáo viên tập trung cho các nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
Ngoài ra, thông tư cũng điều chỉnh các nội dung quan trọng như: Quy định thời gian làm việc theo năm học, với số tiết dạy trung bình trong tuần được quy đổi rõ ràng; Bổ sung cơ chế giảm tiết dạy cho giáo viên kiêm nhiệm các vị trí như văn thư, công nghệ thông tin, thư viện, hỗ trợ giáo dục học sinh khuyết tật; Điều chỉnh thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; Quy định chi tiết về thời gian nghỉ thai sản cho giáo viên, đặc biệt khi thời gian nghỉ trùng với nghỉ hè.
Một số điểm đáng chú ý khác như: Với giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, 1 tiết dạy được tính bằng 1,5 tiết nếu giảng dạy trong thời gian hè.
Với giáo viên ôn thi tốt nghiệp, phụ đạo học sinh yếu kém, 1 tiết dạy có thể được quy đổi tối đa không quá 1,5 tiết định mức.
Với giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn thi khoa học kỹ thuật, 1 tiết dạy có thể quy đổi tối đa không quá 2 tiết định mức.
Với giáo viên dạy môn chuyên tại các lớp chuyên trong trường chuyên thì 01 tiết dạy môn chuyên được quy đổi bằng 03 tiết định mức
Một điểm mới quan trọng là thời gian thực dạy của giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được rút ngắn từ 37 tuần xuống còn 35 tuần, bổ sung thêm 2 tuần dự phòng để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Minh Chi