Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội).
Chiều nay, 3/4, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược gắn với hợp tác của doanh nghiệp.
Việc ký kết nhằm tăng cường hợp tác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi cơ sở trong đào tạo nhân tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vì sự phát triển của mỗi bên, góp phần phát triển nền giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của đất nước.
Trên cơ sở đó, xây dựng ba đại học trở thành các trung tâm xuất sắc về đào tạo tài năng, thu hút nhân tài, nghiên cứu khoa học phục phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và khu vực.
Các nội dung hợp tác cụ thể gồm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu công nghệ lõi, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, hợp tác quốc tế và truyền thông.
Trong hợp tác đào tạo, các bên sẽ phối hợp xây dựng các chương trình chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học các ngành trọng điểm, mũi nhọn theo hướng cùng tổ chức đào tạo (trong thời gian đào tạo của khóa học, các học viên bắt buộc phải học tập, tham gia nghiên cứu tại cả ba đại học và thực tập/thực tế tại doanh nghiệp đối tác); nghiên cứu đề xuất cơ chế để học viên tốt nghiệp chương trình này có thể nhận văn bằng của cả ba đại học đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết với đối tác nước ngoài để tổ chức đào tạo các chương trình hợp tác giữa ba đại học.
Các bên sẽ triển khai việc đánh giá, công nhận tín chỉ trong các chương trình đào tạo để tăng cường việc trao đổi sinh viên theo hình thức “du học tại chỗ” (sinh viên của một trong ba đại học có thể theo học, tích lũy tín chỉ, thực tập/thực tế, tham gia nhóm nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu tại các cơ sở của ba đại học và các doanh nghiệp đối tác).
Cùng với việc trao đổi sinh viên, các đại học này sẽ xây dựng chương trình trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên, mô hình giảng viên thỉnh giảng giữa ba đại học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường giao lưu, trao đổi học thuật giữa giảng viên, nhà khoa học của ba Đại học.
Trong hợp tác nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược gắn với thu hút nhân tài, thu hút đầu tư và hợp tác của doanh nghiệp, các bên sẽ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành, liên lĩnh vực có sự tham gia của chuyên gia đến từ doanh nghiệp và nhà khoa học quốc tế để cùng triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, hợp tác quốc tế hoặc theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Trong đó, ưu tiên tập trung nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược : trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, an ninh mạng, chuỗi khối, IoT, 5G/6G, năng lượng, robot và tự động hóa, công nghệ số, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử...
Ba đại học cũng hợp tác chung trong xây dựng và triển khai các dự án, chương trình nghiên cứu, thực hiện các công bố khoa học; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển các phòng thí nghiệm, tiến tới hình thành các viện/trung tâm nghiên cứu xuất sắc dùng chung; tổ chức các hoạt động chung liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của người học, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong hợp tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tài nguyên dùng chung, các bên ứng dụng chuyển đổi số, phát triển hệ thống quản lý đào tạo thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và tích hợp các mô hình đào tạo trực tuyến; xây dựng mô hình đại học số chia sẻ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và triển khai các chương trình đào tạo, nhất là trong lĩnh vực STEM trên nền tảng số.
Các bên cũng phát triển hệ sinh thái số dùng chung, liên thông giữa ba đại học; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài liệu số nội sinh, thư viện số phục vụ giảng dạy và nghiên cứu; xây dựng phương án cấp quyền truy cập vào sử dụng cơ sở dữ liệu khoa học của các phòng thí nghiệm trọng điểm, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.
Trong hợp tác quốc tế, các bên phối hợp tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, phát triển tạp chí khoa học chuẩn quốc tế, tăng cường công bố quốc tế, trao đổi chuyên gia; tham gia các dự án, tổ chức, mạng lưới quốc tế…
Các dự án trọng điểm đang được các đại học này triển khai gồm xây dựng Công viên công nghệ cao và đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), xây dựng Tổ hợp trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược (Đại học Bách khoa Hà Nội)./.
(Vietnam+)