Ba điểm cơ bản thiết yếu của Phật giáo

Ba điểm cơ bản thiết yếu của Phật giáo
2 ngày trướcBài gốc
Mục tiêu của Phật giáo là gì?
Mục tiêu của Phật giáo hay mục tiêu của lời Phật dạy là chỉ hướng hay phương pháp thực tập, giúp con người thành Phật hay giác ngộ. Từ “Phật” hay Buddha trong ngôn ngữ Sanskrit nghĩa là “Người thức tỉnh” hay “bậc Giác ngộ hoàn toàn”.
Thức tỉnh hay giác ngộ hoàn toàn nghĩa là không còn bị tác động hay chi phối bởi tham ái (S.Tṛṣnạ̄, P.Taṇhā), sân (S.Dvesạ, P.Dosa) và vô minh (S.Avidyā, P.Avijjā). Tham lam, sân hận và si mê là nguyên nhân dẫn đến khổ đau cho đời sống của con người. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể nói mục tiêu của Phật giáo là giúp hướng dẫn cho con người đoạn trừ tận gốc tham sân si và giải phóng triệt để bản thân khỏi khổ đau. Tham ái khiến cho con người bám víu (Upādāna) vào hiện hữu, bao gồm bản thân, những sở hữu yêu quý của bản thân và mong những gì mình yêu thích luôn vĩnh cửu; nhưng cuộc đời là vô thường và trái ngược với ước mong vĩnh cửu của con người; vì vậy, kết quả tất yếu là sự sinh khởi của nỗi sợ hãi, lo âu, buồn rầu và thất vọng.
Thông qua việc đoạn trừ lòng tham ái, con người sẽ dập tắt được nỗi sợ hãi, lo âu, buồn rầu, thất vọng và đạt được sự an lạc hạnh phúc tối thượng.
Thông qua việc đoạn trừ lòng tham ái, con người sẽ dập tắt được nỗi sợ hãi, lo âu, buồn rầu, thất vọng và đạt được sự an lạc hạnh phúc tối thượng.
Nói tóm lại, mục đích tối hậu của Phật giáo là sự giác ngộ trọn vẹn hay thành Phật. Người nào giác ngộ, người đó sẽ đoạn tận khổ đau; hay nói cách khác, người đó sẽ đoạn trừ sợ hãi, lo âu, buồn rầu và thất vọng.
Việc nhận thức mục tiêu của Phật giáo như trên giúp chúng ta nhận định được rằng, Phật giáo, trong ý nghĩa đích thực nhất, không còn là một tôn giáo theo ý nghĩa thông thường như là một Giáo hội hoạt động qua hệ thống tín điều, nghi lễ và cấp bậc, mà là “con đường” hay hướng đi đích thực, được nhận thức và nỗ lực thực hiện bởi con người nhằm đoạn tận khổ đau và đạt được hạnh phúc thật sự. Ngoài ra, từ điểm này giúp chúng ta thấy được sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác, đặc biệt là nhất thần giáo (monotheism) vốn đặt sự giải thoát tối hậu của con người vào niềm tin tưởng cứu vớt của Chúa (God).
Ảnh: iStock
Những nguyên lý hay giáo lý cơ bản trong Phật giáo
Giáo lý Phật giáo căn bản là những lời Phật giảng dạy trong 49 năm khi Ngài còn tại thế. Những lời dạy đó được kết tập trong Kinh tạng và Luật tạng. Qua lịch sử truyền bá giáo lý, những lời dạy của Đức Phật được hiểu và thực hành tùy theo căn cơ và trình độ của mỗi cá nhân. Đây là cơ sở để giải thích lý do tại sao sau khi Đức Phật diệt độ, có nhiều bộ phái xuất hiện, họ lý giải những lời Phật dạy theo sở kiến của mình, như Thượng tọa bộ (Theravāda), Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda) và Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), v.v.; đồng thời, có những tông phái thực hành lời Phật dạy theo pháp môn của mình, ví dụ Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, v.v…
Mặc dầu xảy ra vấn đề bất đồng nhận thức về những lời Phật dạy giữa các bộ phái, và sự khác biệt trong hình thức tu tập trong các tông phái, nhưng tất cả đều phải dựa trên nội dung hay nền tảng của Tứ Pháp ấn (Four Dharma seals) - bốn đặc tính hay dấu hiệu của các pháp được giác ngộ và chứng thực bởi Đức Phật - đó là Vô thường (S.Anitya, P.Anicca), Vô ngã (S.Anātma, P.Anattā), Khổ (S.Duḥkha, P.Dukkha) và Niết-bàn (S.Nirvānạ, P.Nibbāna) trong đường lối nhận thức và thực hành các pháp môn.
Theo Phật dạy, tất cả các Pháp(i) tồn tại hay sinh khởi đều do duyên sinh (S.Pratītyasamutpāda, P.Patịccasamuppāda, Dependent Origination). Do duyên sinh hay tập hợp, nên các pháp luôn luôn ở trong trạng thái biến chuyển hay vô thường, và do luôn luôn biến chuyển, nên bản chất của các pháp là vô ngã, nghĩa là không có một cái “Tôi” hay hiện hữu trường tồn bất biến (No-self or the absence of an abiding self).
Trong Phật giáo có nhiều pháp môn tu như Thiền tông, Mật tông và Tịnh Độ tông, v.v., tùy theo căn cơ và sở thích của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, bất cứ pháp môn tu nào trong Phật giáo cũng phải lấy Giới (S.Sí̄la, P.Sīla), Định (Samādhi) và Tuệ (S.Prajnã̄, P.Pañnã) làm nền tảng cho sự tu tập.
Các pháp là vô thường tự thân của chúng không có một bản thể thường hằng, nhưng con người muốn những gì mình yêu thích nhất, tức là bản thân và những sở hữu yêu quý của bản thân, nói chung là Ngũ uẩn(ii) (S.Pañca Skandha, P.Pañca Khandha), thường hằng. Thực tại là vô thường, không có một bản thể vĩnh cửu, nhưng con người lại ước muốn chúng trường tồn và vĩnh cửu. Đây là điều đi ngược lại với thực tại, và kết quả là đưa con người vào buồn rầu, lo âu, thất vọng và sợ hãi. Và đây chính là cái khổ sâu sắc nhất được mô tả trong Tứ diệu đế (S.Catvāriāryasatyāni, P.Cattāri Ariyasaccāni): “Ngũ thủ uẩn là khổ”, nghĩa là sự bám víu và chấp chặt vào bản thân và sở hữu của bản thân, hay thực tại hiện hữu là khổ. Để đoạn trừ cái khổ sâu sắc này, theo Đức Phật, con người phải ly tham và lìa bỏ sự bám víu vào Ngũ uẩn, hay thực tại hiện hữu, ước mong vĩnh cửu. Trong ý nghĩa này, Niết-bàn chính là sự ly tham và đoạn trừ sự bám víu vào thực tại hiện hữu hay Ngũ uẩn.
Ý nghĩa của Tứ Pháp ấn, như đã được giải thích, chính là nội dung của giáo lý Duyên sinh, một chân lý được Đức Phật chứng ngộ, được thể hiện qua 12 chi phần Duyên khởi(iii) và giáo lý Tứ đế(iv). Trên hình thức, có sự khác nhau về cách diễn đạt giữa hai giáo lý này. Thập nhị nhân duyên là quy luật được Đức Phật tư duy sau khi Ngài thành đạo, và giáo lý Tứ đế là kết quả chuyển thể từ tư duy qua ngôn từ, tức là bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển - nhưng nội dung chỉ là một: khổ, nguyên nhân của khổ, sự đoạn tận khổ đau và phương pháp để đoạn tận khổ đau.
Hiểu đúng và rõ ràng Tứ Pháp ấn giúp chúng ta hiểu được bản chất thực tại của con người và cuộc đời, và giá trị tối thượng mục tiêu của Phật giáo, đó là giác ngộ và giải thoát khổ đau. Ngoài ra, Tứ Pháp ấn giúp chúng ta khẳng định rằng bất cứ kinh nào chuyển tải ý nghĩa của Tứ Pháp ấn, thì kinh đó là kinh Phật thuyết; và ngược lại.
Phương pháp hay con đường tu tập
Trong Phật giáo có nhiều pháp môn tu như Thiền tông, Mật tông và Tịnh Độ tông, v.v., tùy theo căn cơ và sở thích của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, bất cứ pháp môn tu nào trong Phật giáo cũng phải lấy Giới (S.Sí̄la, P.Sīla), Định (Samādhi) và Tuệ (S.Prajnã̄, P.Pañnã) làm nền tảng cho sự tu tập.
Giới là kỷ luật giúp ngăn ngừa tội lỗi của thân và khẩu. Định là thiền định (S.Dhyāna, P.Jhāna) bao gồm hai yếu tố tương quan: a) Chánh định (S.Samyak-samādhi, P.Sammā-samādhi): tập trung tâm lại trên các đối tượng, không để tán loạn và b) Chánh niệm (S.Samyak-smṛti, P.Sammā-sati): chú tâm theo dõi và ghi nhận rõ ràng những gì xảy ra trên đối tượng thân và tâm (hay các pháp). Tuệ (S.Prajnã̄, P. Pañnã̄) là năng lực của tâm trực nghiệm được tính vô thường, khổ và vô ngã qua sự tinh tấn thực tập định và niệm trên các đối tượng. Trong Tứ diệu đế, Giới, Định và Tuệ là nền tảng thực hành của Bát chánh đạo (S.Āryāṣtạ̄ṅga-mārga, P.Ariya-aṭṭhaṅgika-magga); trong đó, Giới bao gồm Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng; Định gồm Chánh tinh tấn, Chánh định và Chánh niệm; và Tuệ gồm Chánh kiến và Chánh tư duy.
Trong các kinh điển Đại thừa, Lục độ Ba-la-mật (Sạṭ Pāramitā) là sáu hạnh tu rốt ráo mà các Bồ-tát phải thực hiện để mang lại lợi ích cho chúng sinh, và đồng thời để giúp bản thân mình được giác ngộ: 1) Bố thí Ba-la-mật, 2) Trì giới Ba-la-mật, 3) Nhẫn nhục Ba-la-mật, 4) Tinh tấn Ba-la-mật, 5) Thiền định Ba-la-mật, và 6) Trí tuệ Ba-la-mật. Vì lợi ích chúng sinh, Bồ-tát thực hành Bố thí Ba-la-mật, và để đạt được quả vị giải thoát giác ngộ, Bồ-tát thực hành Trì giới và Nhẫn nhục Ba-la-mật (tức Giới), Tinh tấn và Thiền định Ba-la-mật (Định), Trí tuệ Ba-la-mật (Tuệ).
Nói tóm lại, Giới, Định, Tuệ là nền tảng căn bản cho sự tu tập trong Phật giáo. Từ điểm này giúp chúng ta khẳng định rằng bất cứ pháp môn nào nếu không có Giới, Định và Tuệ làm nền tảng cho sự thực tập thì đó không phải là pháp môn trong Phật giáo.
Ba điểm căn bản thiết yếu như được trình bày ở trên liên hệ mật thiết với nhau: Không biết mục tiêu của Phật giáo là gì thì con người không bao giờ đoạn trừ được gốc rễ khổ đau; không hiểu được những nguyên lý hay giáo lý cơ bản trong Phật giáo thì con người sẽ không thấy giá trị tối thượng của loại trừ tham sân hay vô minh; và cuối cùng là nếu không thực hành Giới, Định, Tuệ thì con người sẽ không bao giờ đạt được giác ngộ, hay hạnh phúc thật sự qua sự đoạn trừ lo âu, sợ hãi, buồn phiền và thất vọng.
Chú thích:
(i) Pháp (S.Dharma, P.Dhamma): Từ “pháp” trong Phật giáo có 3 nghĩa chính: (1) Giáo pháp được thuyết giảng bởi Đức Phật; (2) Chỉ cho tất cả hiện hữu tâm lý, vật lý, hữu hình và vô hình và (3) Chân lý được chứng ngộ bởi Đức Phật, đó là pháp Duyên sinh (S.Pratītyasamutpāda, P.Patịccasamuppāda) – hay nói cách khác, đó là Tứ Pháp ấn: Vô thường, Khổ, Vô ngã và Niết-bàn.
(ii) Ngũ uẩn (S.Pãnca-skandha, P.Pãnca khandha) là tập hợp của năm nhóm tạo hành con người và môi trường; nói cách khác, năm uẩn là tập hợp của hiện hữu:
(1) Sắc (Rūpa, form): Sắc thân và môi trường;
(2) Thọ (Vedanā, feelings, sensations): Cảm thọ;
(3) Tưởng (Sañnã̄, conception): Ý tưởng hay khái niệm;
(4) Hành (Saṅkhāra, volition): Ý muốn hay ý chí và (5) Thức (Viñnã̄nạ, consciousness): Tâm hay ý thức.
(iii) Thập nhị nhân duyên (S.Pratītya-samutpāda, P.Patịcca-samuppāda) hay còn được gọi là 12 Duyên khởi, nói về tương quan sinh khởi của 12 thành phần tạo thành đời sống con người trong ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai: Nhân Vô minh dẫn đến Hành Thức Danh sắc Lục nhập Xúc Thọ Ái Thủ Hữu Sinh Lão tử.
(iv) Tứ đế (S.Catvāri ārya-satyāni, P.Cattāri ariya-saccāni, The Four Noble Truths): Bốn chân lý hay sự thật về đời sống con người và cuộc đời:
(1) Khổ (S.Duḥkha, P.Dukkha): Bao gồm kinh nghiệm khổ đau hiển nhiên trong đời sống, như sinh, lão, bệnh, tử, thương nhau mà phải tách lìa, ghét nhau mà phải sống chung, những điều mong cầu không được toại ý, cuối cùng là kinh nghiệm khổ căn bản và sâu sắc nhất: Tham và bám víu mong mình và sở hữu yêu quý của mình được vĩnh cửu.
(2) Nguyên nhân của khổ (S.Duḥkha samudāya, P.Dukkha samudaya): Đó là sự tham ái mong cầu hiện hữu của mình và sở hữu yêu quý của mình.
(3) Sự đoạn tận khổ đau (Dukkha-nirodha-sacca): Ly tham và ý niệm bám víu vào hiện hữu. Niết-bàn trong ý nghĩa căn bản nhất là ly tham và bám víu.
(4) Phương pháp đoạn tận khổ đau (S.Mārga-satya, P.Magga-satya): Thực hành Giới, Định, Tuệ hay Bát chánh đạo:
(4.1) Chánh kiến (S.Samyak-dṛṣtị, P: Sammā-diṭṭhi, Right views): Nhận thức được cuộc đời là Vô thường, Khổ và Vô ngã.
(4.2) Chánh tư duy (S.Samyak-saṃkalpa; P.Sammā-saṅkappa, Right thoughts): Tư tưởng không bị tham, sân tác động.
(4.3) Chánh ngữ (S.Samyag-vāc, P.Sammā vācā, Right speech): Không nói láo, lời độc ác và xuyên tạc danh dự người khác.
(4.4) Chánh nghiệp (S.Samyak-karmānta; P.Sammā-kammanta, Right conduct): Không giết hại, trộm cắp và tà hạnh.
(4.5) Chánh mạng (S.Samyag-ājīva, P.Sammā-ājīva, Right livelihoods): Không làm những ngành nghề gây nên ác nghiệp, như lò giết mổ súc sinh, chủ sòng bạc, buôn bán thuốc phiện và những chất gây nghiện, v.v.
(4.6) Chánh tinh tấn (S.Samyag-vyāyāma, P.Sammā-vāyama, Right efforts): Siêng năng loại trừ các việc ác và tinh tấn thực hành các việc thiện.
(4.7) Chánh niệm (S.Samyak-smṛti; P.Sammā-sati, Right mindfulness): Tâm luôn quán chiếu rõ ràng những gì xảy ra trong thân, tâm và môi trường.
(4.8) Chánh định (S.Samyak-samādhi, P.Sammā-samādhi, Right concentratrion): Tâm luôn trong định, không bị tán loạn.
Hòa thượng Thích Giác Như/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/ba-diem-co-ban-thiet-yeu-cua-phat-giao-post75953.html