Ba điểm nghẽn khiến giá vật liệu tại Thanh Hóa 'phi mã'

Ba điểm nghẽn khiến giá vật liệu tại Thanh Hóa 'phi mã'
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường vật liệu xây dựng tại Thanh Hóa chứng kiến tình trạng khan hiếm nghiêm trọng, đặc biệt là các vật liệu thiết yếu như đá cấp phối, cát xây dựng và đất san lấp. Sự thiếu hụt này đã đẩy giá vật liệu lên cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình hạ tầng và dân dụng trong tỉnh.
ẢNH HƯỞNG TIẾN ĐỘ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Trước tình hình trên, ngày 5/5/2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị đánh giá toàn diện về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Hội nghị này có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Đá Thanh Hóa. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cũng như các doanh nghiệp, nhà thầu thi công có sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của tỉnh Thanh Hóa, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, nổi lên ở 3 vấn đề. Trước hết, giá vật liệu tăng vọt so với cuối năm 2024 đã bộc lộ khâu quản lý giá yếu. Đất san lấp, đá cấp phối và cát xây dựng đều tăng đột biến, trong đó cát tăng khoảng 30%, vượt hẳn khung giá công bố của cơ quan chức năng.
Toàn cảnh hội nghị
Tiếp đó, nhiều công trình không có mỏ vật liệu gần sát nên phải vận chuyển từ xa, khiến giá tại chân công trình đội thêm hàng chục phần trăm. Điều này không chỉ chậm tiến độ mà còn làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Cuối cùng, vi phạm trong khai thác khoáng sản diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp khai thác vượt mốc giới và công suất, không đúng thiết kế, chậm hoàn thiện thủ tục bảo vệ môi trường; khai thác trái phép cát lòng sông, đất san lấp; kê khai không đúng sản lượng, bán không niêm yết giá, gây ô nhiễm, hư hỏng đường sá. Tình trạng này khiến dư luận bức xúc và doanh nghiệp chân chính bị thiệt hại.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhận định, qua theo dõi thực tế và ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp cho thấy vật liệu xây dựng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng cao, ảnh hưởng đến thi công các công trình và hoạt động xây dựng nhà ở của người dân.
Đáng lo ngại sẽ làm chậm tiến độ thực hiện dự án, nhất là hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, phát triển đô thị và giao thông đường bộ. Đồng thời sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là ảnh hưởng đến 15.326 hộ gia đình thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, các nhà thầu xây dựng và doanh nghiệp khoáng sản đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm “hạ nhiệt” giá vật liệu xây dựng. Đại diện các doanh nghiệp đề xuất cần cập nhật bảng giá vật liệu xây dựng kịp thời, sát với diễn biến thực tế của thị trường, đặc biệt tại những khu vực có biến động cao.
Đồng thời, các sở, ngành liên quan cần thiết lập cơ chế phối hợp liên thông trong xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các lĩnh vực như đầu tư, xây dựng, đất đai, khoáng sản.
Đại diện nhà thầu xây dựng đưa ra ý kiến, kiến nghị để tháo gỡ tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng
Các doanh nghiệp cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần cân đối trữ lượng các mỏ phải cung cấp, tránh tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án, dẫn đến việc các nhà thầu phải đi mua vật liệu trôi nổi từ các mỏ tự phát, không được cấp phép với giá thành cao, sản phẩm không chuẩn chất lượng, gây xáo trộn và thiệt hại cho doanh nghiệp.
GIẢI PHÁP “HẠ NHIỆT”
Tại hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng ổn định, liên tục, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh trong cả trước mắt và lâu dài.
Trong thời gian tới các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tiếp tục thực hiện nghiêm việc khai thác khoáng sản theo đúng giấy phép được cấp; chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn lao động và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thực hiện nghiêm việc kê khai giá và bán theo đúng giá niêm yết, không được đầu cơ, tự ý nâng giá, găm hàng, ép giá. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc hợp đồng với các doanh nghiệp, nhà thầu sử dụng khoáng sản, cung cấp đủ khối lượng vật liệu theo hợp đồng, đáp ứng kịp thời tiến độ phục vụ thi công dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị
Yêu cầu các doanh nghiệp kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo đúng sản lượng khai thác; thực hiện việc báo cáo thống kê, kiểm tra trữ lượng khoáng sản theo quy định; tuyệt đối không được làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản.
Đối với công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu vật liệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng rà soát, đánh giá chính xác nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh năm 2025 và cả giai đoạn 2026-2030, căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá công suất hoạt động của các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay và quy hoạch khoáng sản của tỉnh để tham mưu, đề xuất danh mục dự án khai thác, chế biến khoáng sản cần tổ chức đấu giá đưa vào khai thác trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Đối với 557 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tiếp tục kiểm tra, rà soát lại, bảo đảm số liệu trong quy hoạch và thực tế phải ăn khớp, làm cơ sở để thực hiện các bước trình tự, thủ tục đấu giá, cấp phép, khai thác khoáng sản. Đồng thời, tiếp tục rà soát, phát hiện các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh nếu đủ điều kiện thì thực hiện các thủ tục cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh theo quy định.
Đối với đất san lấp, cần tiến hành khảo sát, phát hiện các mỏ đất san lấp và xây dựng Kế hoạch sử dụng vật liệu đất san lấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, làm cơ sở để định hướng cấp phép khai thác, sử dụng bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh hiện tượng nhà đầu tư xin cấp phép tràn lan, ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, lãng phí nguồn lực.
Đối với công tác cấp phép thăm dò, khai thác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang giao Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát tổng thể các quy trình, thủ tục liên quan công tác cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; rút ngắn tối đa thời gian làm thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh; để sớm có nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án, công trình trọng điểm và các công trình khác có liên quan.
Nguyễn Thuấn
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/ba-diem-nghen-khien-gia-vat-lieu-tai-thanh-hoa-phi-ma.htm