Phiên đối thoại rất thành công, thẳng thắn và cầu thị
Phóng viên (PV): Thứ trưởng cho biết đánh giá của đoàn Việt Nam về kết quả Phiên đối thoại lần thứ tư với Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc về thực thi Công ước ICCPR của Việt Nam?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Có thể khẳng định, đây là phiên đối thoại rất thành công. Đoàn Việt Nam đã tham gia với tinh thần thẳng thắn, chân thành, cầu thị. Chúng tôi đã truyền tải rõ ràng thông điệp nhất quán của Việt Nam về việc đặt con người ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam luôn nỗ lực, dành nguồn lực tốt nhất để bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền dân sự, chính trị theo Công ước ICCPR.
Quang cảnh phiên đối thoại. Ảnh do Bộ Tư pháp cung cấp
Tại phiên đối thoại, Ủy ban Nhân quyền ghi nhận và đánh giá cao tiến bộ của Việt Nam, như việc phê chuẩn 7/9 điều ước quốc tế cốt lõi về quyền con người; xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa phân biệt đối xử; nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống tham nhũng. Để làm rõ hơn những quan tâm của Ủy ban, đoàn Việt Nam đã cung cấp đầy đủ, toàn diện các thông tin liên quan đến tiến trình bảo đảm, thúc đẩy quyền dân sự, chính trị kể từ sau phiên đối thoại năm 2019 đến nay. Các thành viên đoàn công tác liên ngành đã chủ động trao đổi về chính sách, pháp luật, từ xây dựng thể chế, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp đến các biện pháp bảo đảm quyền con người trên thực tế, cũng như những định hướng sắp tới.
Việt Nam có nhiều thuận lợi trong thực thi công ước
PV: Trong quá trình thực thi Công ước ICCPR, Việt Nam gặp những thuận lợi và thách thức nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Công ước ICCPR có phạm vi rộng, nội hàm sâu sắc, cách hiểu và giải thích các quyền theo xu hướng mở và rộng. Do đó, việc thực hiện công ước luôn đòi hỏi nỗ lực lớn và nguồn lực đáng kể. Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức, như nhận thức về quyền con người còn chưa đồng đều giữa các cấp, các vùng, thể chế pháp luật đôi khi chưa theo kịp yêu cầu mới. Việc nội luật hóa các quy định ICCPR cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm hài hòa, đồng bộ. Ngoài ra, hiệu quả thi hành pháp luật ở một số lĩnh vực còn chưa cao, trong khi bối cảnh quốc tế biến động nhanh, phức tạp, thách thức an ninh phi truyền thống cũng gây áp lực cho việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam có những thuận lợi quan trọng. Đó là Việt Nam có cam kết chính trị mạnh mẽ, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước coi quyền con người là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển-thể hiện qua nhiều chiến lược, chính sách, chương trình hành động cụ thể. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, nhiều đạo luật được sửa đổi, ban hành mới để nội luật hóa các quy định ICCPR, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền dân sự, chính trị. Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời duy trì đối thoại xây dựng với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc.
Ba định hướng lớn trong thời gian tới
PV: Sau phiên đối thoại lần này, Việt Nam sẽ có những định hướng gì nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi Công ước ICCPR, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Chúng tôi xác định rõ phương hướng sắp tới dựa trên các chủ trương lớn của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 66-NQ/TW năm 2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trên cơ sở đó, sau phiên đối thoại này, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia với sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhằm thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền. Theo tôi cần tập trung vào 3 nhiệm vụ.
Quang cảnh phiên đối thoại. Ảnh do Bộ Tư pháp cung cấp
Một là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ quan xây dựng, thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, về các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về quyền con người. Mọi chủ trương, chính sách phải lấy con người làm trung tâm, xuất phát từ cuộc sống, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Hai là rà soát, thể chế hóa chủ trương của Đảng, nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, nhân đạo, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của con người làm trung tâm. Nghị quyết số 66-NQ/TW chính là kim chỉ nam trong công tác này. Đồng thời, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan cần tập trung triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 17-5-2025 của Chính phủ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật để tháo gỡ điểm nghẽn, tạo môi trường thể chế thông thoáng hơn cho thực thi quyền con người. Ngoài ra, cần thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp gắn với cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân thực sự được thụ hưởng các lợi ích từ cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy.
Ba là thực hiện tốt nhiệm vụ đã được đề ra tại Nghị quyết số 66-NQ/TW về tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa công tác lập pháp và thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống. Ngoài ra, cần quan tâm đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người.
PV:Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
CHIẾN THẮNG (ghi)