Kịch bản thứ nhất: đóng băng tiền tuyến và thiết lập khu phi quân sự
Ông Keith Kellogg đã trình lên ông Donald Trump kế hoạch vào đầu năm nay, trong đó kêu gọi đóng băng các chiến tuyến hiện tại. Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục cả Moscow và Kiev ngồi vào bàn đàm phán bằng cách sử dụng chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt". Theo đó, Washington sẽ dừng viện trợ cho Ukraine trừ khi quốc gia này đồng ý đàm phán, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho Kiev nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối thỏa thuận. Ukraine cũng sẽ nhận được các đảm bảo an ninh của Mỹ, có thể bao gồm việc tăng nguồn cung cấp vũ khí sau khi đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ bị tạm dừng.
Ông Keith Kellogg, đặc phái viên sắp tới của Mỹ về vấn đề Nga – Ukraine. Ảnh Getty
Trong khi đó, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã đưa ra một ý tưởng riêng vào tháng 9. Ông Vance nói với người dẫn chương trình podcast của Mỹ Shawn Ryan rằng một thỏa thuận tiềm năng sẽ bao gồm việc thiết lập một khu phi quân sự tại các tiền tuyến hiện tại. Khu vực này sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt để ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiếp theo của Nga. Đề xuất của ông Vance cũng từ chối trao cho Kiev tư cách thành viên NATO.
Nếu đồng ý với điều này, Nga sẽ được giảm nhẹ lệnh trừng phạt hạn chế và chỉ được giảm nhẹ hoàn toàn khi ký thỏa thuận hòa bình theo ý muốn của Ukraine. Thuế đánh vào xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ trả cho việc tái thiết Ukraine. Ukraine sẽ không bị yêu cầu từ bỏ việc đòi lại lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng nước này sẽ đồng ý theo đuổi điều đó chỉ thông qua ngoại giao. Ukraine chấp nhận rằng "điều này sẽ đòi hỏi một bước đột phá ngoại giao trong tương lai mà có lẽ sẽ không xảy ra trước khi Tổng thống Putin rời nhiệm sở".
Một khu phi quân sự có thể cần phải được kiểm soát, có thể đưa quân đội NATO hoặc binh lính từ các quốc gia không liên kết khác vào giữa hai bên. Sẽ rất khó để duy trì và bố trí nhân sự. Khu vực này sẽ rất lớn, trải dài hàng trăm dặm ở biên giới và là khoản đầu tư tài chính khổng lồ.
Kịch bản thứ hai: Chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột
Ông Mike Waltz, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn làm cố vấn an ninh quốc gia ngày 15/12, cho biết nhóm của ông đang thảo luận về cách "chấm dứt vĩnh viễn" cuộc xung đột Nga-Ukraine thay vì chỉ "tạm dừng" giao tranh.
"Thành công sẽ như thế nào khi phù hợp với lợi ích của Mỹ? Làm thế nào để Mỹ kết thúc xung đột? Ai sẽ tham gia cùng với Mỹ? Làm thế nào để chúng ta đưa tất cả các bên vào bàn đàm phán và khuôn khổ cho một thỏa thuận hòa bình là gì? Đó là những điều chúng tôi đang cân nhắc", ông Waltz nói.
Binh sĩ Ukraine tại Kurakhove. Ảnh Getty
Ông Waltz cho biết kể từ khi ông Trump tái đắc cử, nhóm cố vấn của ông đã liên lạc với các đối tác châu Âu và Ukraine về thảo luận cách chấm dứt cuộc chiến này "theo cách khôi phục sự ổn định và tạo ra một kết thúc vĩnh viễn chứ không chỉ tạm dừng xung đột".
Khi được hỏi liệu chính quyền ông Trump sắp tới có dự định hạn chế cách Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ hay không, ông Waltz cho biết "đây không phải là một cuộc chiến mà Mỹ muốn can dự nhiều".
Trong khi đó, ông Trump gần đây đã chỉ trích chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Bien vì quyết định của cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS. Ông Trump cho biết ông không có kế hoạch "bỏ rơi" Ukraine, mà thay vào đó sẽ tận dụng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán.
Kịch bản thứ ba: Thành lập các khu tự trị
Trong khi đó, ông Grenell, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức, đã ủng hộ việc thành lập “các khu tự trị” ở miền đông Ukraine trong một cuộc họp bàn tròn của Bloomberg vào tháng 7 nhưng không giải thích thêm. Ông cũng cho rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine không phục vụ lợi ích của Mỹ. Ông Grenell vẫn chưa chắc chắn có được một vị trí trong chính quyền mới sắp tới, nhưng vẫn được ông Trump lắng nghe về các vấn đề châu Âu. Theo một cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của ông Trump, ông Grenell là một trong số ít người từng tham dự cuộc họp giữa ông Trump và ông Zelensky tại New York vào tháng 9.
Theo những đề xuất trên thì Kiev sẽ phải nhượng lại những vùng lãnh thổ rộng lớn cho Nga trong tương lai gần và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Dù có một số khác biệt, nhưng cả ba kế hoạch này đều có một điểm chung là loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu đã bác bỏ ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, vào tháng 11, ông bất ngờ gợi ý rằng một thỏa thuận như vậy có thể đạt được nếu các vùng lãnh thổ chưa bị Moscow kiểm soát của Ukraine "nằm dưới sự bảo trợ của NATO".
"Nếu chúng ta muốn chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc chiến, chúng ta nên đưa vùng lãnh thổ Ukraine mà chúng ta đang kiểm soát vào sự bảo trợ của NATO", ông Zelensky nói, đồng thời cho biết Ukraine sau đó có thể "lấy lại phần lãnh thổ còn lại của mình bằng con đường ngoại giao".
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
John Lough, chuyên gia tại Chương trình Nga và Âu Á của Chatham House tại Anh nói rằng Ukraine dường như không còn theo đuổi "nguyên tắc tối thượng" của mình là giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Moscow kiểm soát. Thay vào đó, Kiev muốn "có được sự đảm bảo an ninh đáng tin cậy từ phương Tây".
Tuy nhiên, với các quốc gia phương Tây không muốn khiêu khích Nga bằng các cam kết ràng buộc với Ukraine, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là cuộc chiến sẽ bị "đóng băng" ở mức hiện tại. Chuyên gia Lough cho rằng đây là một "giải pháp tham vọng ở giai đoạn này".
Theo ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào do ông Trump làm trung gian có khả năng sẽ liên quan đến một số hình thức nhượng bộ lãnh thổ.
"Khó có thể tin rằng thỏa thuận sẽ ổn định. Nhưng rất dễ để hình dung một cuộc chiến tranh khác trong vài năm nữa", ông Cancian nói.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết trong cuộc họp báo ngày 19/12 rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để tìm kiếm thỏa hiệp nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Tổng thống Putin cho biết ông đã không nói chuyện với ông Trump trong hơn 4 năm qua, nhưng ông sẵn sàng thảo luận về cuộc chiến Ukraine với nhà lãnh đạo mới của Mỹ bất cứ lúc nào và cho biết “nếu có cuộc gặp với tổng thống mới đắc cử, tôi chắc chắn sẽ có nhiều điều để nói”. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh “phía bên kia cũng cần phải sẵn sàng”.
Hà Thu