Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Trên tài khoản mạng xã hội, Tổng thống Ba Lan cho biết hai bên đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn trong bối cảnh Đặc phái viên của Tổng thống Trump, ông Keith Kellogg, đang ở thăm Kiev. Lý giải cho đề xuất của mình, nhà lãnh đạo Ba Lan cho rằng không có cách nào khác để ngăn chặn đổ máu và đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.
Trong những ngày gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine được đánh giá là đã xấu đi đáng kể sau những phát biểu của nguyên thủ hai nước. Tuy nhiên, Đặc phái viên Mỹ về Ukraine cùng ngày cho hay ông đã có cuộc cuộc thảo luận "tích cực và sâu rộng với Tổng thống Zelensky".
Trong một diễn biến khác có liên quan tới cuộc xung đột Nga-Ukraine, ngày 21/2, Quốc hội Bulgaria đã thông qua tuyên bố hạn chế khả năng đưa binh sĩ nước này tham gia các hoạt động quân sự ở Ukraine. Văn bản nhận được sự ủng hộ của 166/240 nghị sĩ Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu sau hơn 2 tiếng tranh luận.
Tuyên bố được Quốc hội Bulgaria thông qua nêu rõ lực lượng vũ trang Bulgaria sẽ không tham gia các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine vượt ra ngoài các nghĩa vụ của nước này đối với đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các cam kết quốc tế khác trong Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Tuy nhiên, tuyên bố không đưa ra lệnh cấm rõ ràng đối với động thái này.
Nghị sĩ Stanislav Balabanov của đảng ITN trong liên minh cầm quyền ở Bulgaria giải thích: "Mục đích của tuyên bố là để trấn an người dân Bulgaria và nhấn mạnh rằng sẽ không có một binh lính Bulgaria nào được đưa đến Ukraine".
Tuy nhiên, phía Ukraine lại nhận được sự ủng hộ của CH Séc khi Tổng thống nước này, ông Petr Pavel, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine, khẳng định CH Séc sẽ hỗ trợ toàn diện cho Ukraine. Trước đó, ngày 19/2, Tổng thống Séc đã lên tiếng phản đối những phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về ông Zelensky.
Ngọc Biên (TTXVN)