TTXVN đưa tin, mới đây, tại cuộc họp tham vấn kinh tế song phương lần thứ 2 tại Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Krystof Paszyk đã cùng thảo luận về thương mại, công nghiệp, khai thác khoáng sản, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số, nông sản, dược phẩm…
Bộ trưởng Krzysztof Paszyk mong muốn, thương mại hai nước sẽ hướng đến sự cân bằng và mở rộng các mặt hàng thương mại. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, năm 2023, Ba Lan ghi nhận cán cân thương mại thâm hụt 133,2 triệu đô la với sản phẩm nông sản thực phẩm từ Việt Nam. Tính trong 10 tháng năm 2024, mức thâm hụt lên đến 161,8 triệu đô la. Vì vậy, việc tăng cường đối thoại giữa các tổ chức kiểm dịch thực vật và thú y sẽ giúp mở cửa thị trường Việt Nam cho sản phẩm nông sản chất lượng cao của Ba Lan.
Ông cũng kỳ vọng, Việt Nam sẽ cập nhật thường xuyên danh sách cơ sở và sản phẩm Ba Lan thuộc diện kiểm soát thú y. Đồng thời sớm hoàn tất yêu cầu xuất khẩu với sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Ba Lan; tiếp tục mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản chất lượng cao của Ba Lan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (trái) và Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Krystof Paszyk ký kết biên bản cuộc họp. Ảnh: Bộ Công Thương
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhất trí với những đề xuất của Bộ trưởng Krzysztof Paszyk. Theo bộ trường, dư địa cho phát triển thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất lớn. Chẳng hạn, hai nước có tiềm năng tận dụng tốt hơn Hiệp định EVFTA để Ba Lan trở thành cầu nối cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập và phát triển ở thị trường EU. Ngược lại, hàng hóa Ba Lan thông qua thị trường Việt Nam tiếp cận thị trường ASEAN và các nước mà Việt Nam đã ký kết FTA.
Bộ trưởng cũng đồng tình với đề xuất của phía Ba Lan về mở rộng hợp tác trong công nghệ bán dẫn, nông nghiệp, khai thác mỏ, năng lượng, môi trường, giải pháp công nghệ bền vững, thân thiện với môi trường cho nền kinh tế tuần hoàn và quản lý nước thải. Tuy nhiên, hai nước cần trao đổi nhiều hơn, hỗ trợ lẫn nhau trong thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, Việt Nam khuyến khích hai bên hợp tác, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách, chiến lược, giải pháp, mô hình và công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số. Ông gợi mở, hai bên có thể hợp tác phát triển nền tảng số; đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI); đào tạo nguồn nhân lực số; phát triển giải pháp an ninh mạng; thúc đẩy hợp tác thương mại số; triển khai dự án thí điểm ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp thông minh, sản xuất, dịch vụ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ba Lan hỗ trợ Việt Nam vận động Ủy ban châu Âu dỡ bỏ thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam, qua đó thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan. Cùng với đó là đề nghị Ba Lan tiếp tục quá trình phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA.
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, bộ trưởng đề nghị hai bên phối hợp hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa thông qua hệ thống siêu thị, bán lẻ tại cả Ba Lan và Việt Nam. Hai bên cũng khuyến khích các tập đoàn phân phối đa quốc gia của Ba Lan/EU liên kết, hợp tác với cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam để phát triển nguồn hàng cho mạng phân phối toàn cầu, xây dựng Việt Nam thành trung tâm cung ứng của khu vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, chiều 16-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, TTXVN đưa tin.
Trao đổi về định hướng và những biện pháp quan trọng, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, làm nền tảng để sớm nâng tầm quan hệ Việt Nam – Ba Lan lên tầm chiến lược.
Về kinh tế - thương mại, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau có mặt nhiều hơn trên thị trường mỗi bên; khuyến khích các doanh nghiệp Ba Lan đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam tại các lĩnh vực Ba Lan có thế mạnh như chuyển đổi số, dược phẩm, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chế biến chế tạo, khai thác và chế biến khoáng sản... Tổng thống Andrzej Duda khẳng định ủng hộ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Trúc Đào