Thiết bị quân sự được trưng bày tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng quốc tế lần thứ 32 ở thành phố Kielce, Ba Lan, ngày 3/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Politico châu Âu ngày 5/2 đưa tin, trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng tại châu Âu, Ba Lan đang thực hiện chiến lược tăng cường chi tiêu quốc phòng với hai mục tiêu chính: duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và cảnh báo Nga. Điều này được thể hiện qua tuyên bố mới đây của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz.
Theo kế hoạch, Ba Lan sẽ chi tới 4,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng trong năm nay, một con số kỷ lục trong khối NATO. Đáng chú ý, trong tổng ngân sách này, Warsaw dự kiến dành từ 55 đến 60 tỷ USD để mua sắm vũ khí từ Mỹ, nhằm hiện đại hóa và tăng cường lực lượng vũ trang.
"Đây giống như một loại chính sách bảo hiểm", Bộ trưởng Kosiniak-Kamysz nhấn mạnh. Ông cho rằng Ba Lan có thể chứng minh với chính quyền Trump mới hai điều kiện quan trọng: mức chi tiêu quốc phòng cao nhất NATO và quan hệ kinh tế song phương với doanh nghiệp Mỹ ở mức cao nhất châu Âu.
Động thái này của Ba Lan diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang thúc đẩy các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu hiện tại là 2%. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ từ một số quốc gia Baltic như Estonia và Litva.
Mới đây nhất, Ba Lan đã ký kết thỏa thuận trị giá 745 triệu USD để mua hơn 200 tên lửa chống radar AGM-88G, nhằm trang bị cho phi đội máy bay chiến đấu F-35 Lightning II. Thương vụ này là một phần trong chiến lược tăng cường năng lực quân sự của quốc gia Đông Âu trên.
Bộ trưởng Kosiniak-Kamysz cũng gửi thông điệp tới các đồng minh châu Âu: "Châu Âu nên đầu tư nhiều hơn vào an ninh để duy trì sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại châu Âu, chứ không phải để thay thế họ". Ông cảnh báo rằng các quốc gia chưa đạt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cần nhanh chóng bắt kịp, đặc biệt khi hiện mới chỉ có 24 trong số 32 thành viên NATO đạt được mục tiêu này.
Ngoài việc củng cố quan hệ với Mỹ, chiến lược chi tiêu quốc phòng của Ba Lan còn nhằm cảnh báo Nga. "Chúng ta phải đầu tư rất nhiều để Liên bang Nga nhận thấy rằng một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên NATO nào hoặc Ba Lan đều sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nhấn mạnh.
Về vấn đề Ukraine, mặc dù ủng hộ việc Ukraine hội nhập với châu Âu, Ba Lan vẫn thận trọng trong việc đưa ra lập trường về khả năng Ukraine gia nhập NATO. Bộ trưởng Kosiniak-Kamysz nhắc lại rằng quá trình hội nhập của chính Ba Lan với phương Tây đã mất hơn một thập kỷ. Đồng thời, ông khẳng định Ba Lan không ủng hộ việc gửi binh sĩ của nước này đến Ukraine, một ý tưởng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất trước đó.
"Thế giới chưa bao giờ biến động và nguy hiểm như thế này trong cuộc đời chúng ta", Bộ trưởng Kosiniak-Kamysz kết luận, ngụ ý rằng các khoản đầu tư quốc phòng lớn của Ba Lan sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Vấn đề chi tiêu quốc phòng của các nước NATO dự kiến sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở The Hague (Hà Lan) vào tháng 6 năm nay. Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết mục tiêu mới về chi tiêu quốc phòng có thể sẽ được nâng lên "trên 3% GDP", một con số tham vọng nhưng vẫn thấp hơn đề xuất 5% của ông Trump.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)