Thông tư 47/2024 nêu rõ, quá trình kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được thực hiện theo quy chuẩn về kiểm định xe cơ giới.
Quy chuẩn bao gồm 5 công đoạn kiểm tra gồm: Nhận dạng, tổng quát; kiểm tra phần trên của xe; kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang; kiểm tra môi trường; kiểm tra phần dưới của xe.
Nếu xe cơ giới có kết quả kiểm định đạt yêu cầu, sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định, dán tem kiểm định theo quy định.
Thông tư 47 quy định tem kiểm định màu xanh lá cây dùng cho xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh (xe điện), thân thiện môi trường.
Tem kiểm định màu xanh lá cây dùng cho xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường. Ảnh: Bộ GTVT.
Xe máy chuyên dùng sẽ được dán tem kiểm định màu tím hồng.
Tem kiểm định màu tím hồng dùng cho xe máy. Ảnh: Bộ GTVT.
Tem kiểm định màu vàng cam được dùng cho các xe cơ giới khác.
Tem màu vàng cam dùng cho các xe cơ giới không dùng năng lượng sạch. Ảnh: Bộ GTVT.
Lưu ý, thời hạn hiệu lực tem kiểm định được cấp theo chu kỳ kiểm định, nhưng không vượt quá ngày hết hạn của chứng nhận đăng ký xe, hoặc đến hết ngày 31/12 của năm hết niên hạn sử dụng của xe.
Về cách dán tem kiểm định, đối với các loại xe (gồm các loại ô tô, xe chở người bốn bánh, xe chở hàng bốn bánh và một số loại xe máy chuyên dùng) có khoang điều khiển (ca bin) và trang bị kính chắn gió phía trước, thì vị trí dán tem kiểm định tại góc phía trên, bên phải (theo chiều tiến của xe), ở mặt trong của kính chắn gió phía trước; mặt trước của tem hướng ra ngoài.
Đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc và các loại xe máy chuyên dùng không thuộc điểm a khoản này thì thực hiện trang bị lớp bảo vệ tem kiểm định trong quá trình sử dụng, mặt trước phải được bảo vệ bằng vật liệu trong suốt để quan sát được nội dung, dán (hoặc gắn) lên xe tại các vị trí dễ quan sát, hạn chế được tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tới độ bền của tem kiểm định trong quá trình xe di chuyển, mặt trước của tem kiểm định hướng ra ngoài.
Đăng kiểm viên dán tem kiểm định cho xe. Ảnh: Hữu Chánh.
Tem kiểm định được nhân viên của cơ sở đăng kiểm dán trong trường hợp xe được kiểm định tại cơ sở đăng kiểm; chủ xe tự dán trong trường hợp xe thuộc đối tượng được miễn kiểm định lần đầu hoặc được kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm hoặc được cấp lại.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho biết, bên cạnh quy định miễn kiểm định lần đầu tại Thông tư số 02/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, Thông tư 47 đã mở rộng đối tượng miễn kiểm định lần đầu cho xe bốn bánh gắn động cơ và xe máy chuyên dùng.
Đối với thành phần hồ sơ kiểm định, miễn kiểm định lần đầu, Cục ĐKVN cho biết, Thông tư 47 đã bỏ quy định xuất trình bản chính Giấy biên nhận giữ bản chính Chứng nhận đăng ký xe của tổ chức tín dụng, hoặc Bản sao Chứng nhận đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính, cho vay tài chính theo quy định của pháp luật (vì không có quy định của pháp luật yêu cầu đối với trường hợp này khi thực hiện kiểm định phương tiện).
Chủ xe chỉ phải xuất trình giấy tờ về đăng ký xe bao gồm bản chính chứng nhận đăng ký xe, hoặc bản sao có chứng thực, hay bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe, hoặc bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ Điều 16 Nghị định 100/2019 của Chính phủ, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021 Chính phủ, nếu sử dụng giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt từ 4 – 6 triệu đồng và bị tước bằng lái xe từ 1 – 3 tháng. Việc này được áp dụng đối với loại xe phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời.
Lộc Liên