Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong quý I/2025 đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu lần đầu tiên nền kinh tế này quay lại vùng tăng trưởng âm kể từ quý IV/2020. So với quý trước, GDP cũng ghi nhận mức giảm 0,2%, đảo chiều so với mức tăng nhẹ 0,1% của quý cuối năm 2024.
Sự sụt giảm này phản ánh rõ nét những thách thức mà nền kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt, từ các yếu tố nội tại như nhu cầu tiêu dùng suy yếu, đầu tư sụt giảm, cho đến những áp lực bên ngoài như căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị. Trong báo cáo công bố ngày 24/4, Ngân hàng Hàn Quốc cho biết tốc độ tăng trưởng dự báo cho cả năm nhiều khả năng sẽ thấp hơn mức 1,5% từng được đưa ra hồi đầu năm.
Nhu cầu nội địa và đầu tư chững lại
Một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GDP suy giảm là sự chững lại trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư nội địa. Trong quý I, tiêu dùng cá nhân giảm 0,1%, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên sau ba quý tăng liên tiếp. Các lĩnh vực dịch vụ như giải trí, văn hóa và chăm sóc sức khỏe đều chứng kiến nhu cầu giảm, phản ánh tâm lý tiêu dùng thận trọng trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị kéo dài.
Đầu tư xây dựng tiếp tục lao dốc với mức giảm 3,2%, trong đó lĩnh vực xây dựng công trình chịu ảnh hưởng lớn nhất. Đây đã là quý thứ tư liên tiếp đầu tư xây dựng ghi nhận mức giảm. Trong khi đó, đầu tư vào thiết bị, đặc biệt là máy móc liên quan đến ngành bán dẫn, giảm 2,1%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ quý III/2021. Việc nhu cầu đối với các thiết bị sản xuất chất bán dẫn hiệu suất cao vẫn chưa phục hồi đã gây ảnh hưởng đáng kể đến khu vực công nghiệp nặng và chế tạo, vốn là xương sống của nền kinh tế Hàn Quốc.
Tổng thu nhập quốc nội thực tế (GDI) - chỉ số phản ánh sức mua và mức thu nhập ròng của quốc gia - cũng giảm 0,4% so với quý trước, mức giảm gấp đôi so với tốc độ suy giảm GDP thực tế. Đây là lần giảm đầu tiên sau ba quý tăng liên tiếp, và cũng là mức giảm lớn nhất kể từ đầu năm 2023.
Kinh tế Hàn Quốc suy giảm sau ba năm tăng trưởng liên tục. Ảnh: Yonhap News Agency
Áp lực từ thương mại và chính trị
Trong khi nền kinh tế nội địa gặp khó, khu vực xuất khẩu, vốn đóng vai trò then chốt, cũng không còn duy trì được đà tăng trưởng. Xuất khẩu trong quý I giảm 1,1%, chủ yếu do nhu cầu yếu đối với hóa chất và máy móc. Nhập khẩu giảm mạnh hơn, ở mức 2,0%, tập trung vào các mặt hàng năng lượng như dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng. Sự sụt giảm của cả xuất khẩu và nhập khẩu đều là lớn nhất kể từ quý IV/2022.
Bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn tiếp tục tạo áp lực lên nền kinh tế Hàn Quốc. Dù một số thuế quan tạm thời bị đình chỉ, quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với mức thuế 25% do Mỹ áp dụng đối với thép và ô tô - hai trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Các tập đoàn lớn như Hyundai và Kia, vốn có thị phần đáng kể tại Mỹ, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách này. Đồng thời, Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ tư vào thị trường Mỹ, nên bất kỳ thay đổi nào trong chính sách thương mại cũng có thể tạo ra tác động đáng kể.
Hiện một phái đoàn thương mại của Hàn Quốc đang có mặt tại Mỹ để đàm phán, với kỳ vọng mở ra hướng đi mới cho hợp tác song phương. Quyền Tổng thống Han Duck-soo được cho là đã bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận mang lại lợi ích cân bằng cho cả hai bên. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết chương trình nghị sự vẫn đang được điều chỉnh và chưa chốt nội dung cụ thể.
Đọc thêm: Quan chức Mỹ: IMF và Ngân hàng Thế giới cần trở lại với nhiệm vụ cốt lõi
Bất ổn chính trị trong nước tiếp tục phủ bóng lên triển vọng kinh tế. Sau khi Tòa án Hiến pháp bác bỏ lệnh luận tội ông Han vào tháng 3 và phục chức ông làm quyền tổng thống, Tổng thống Yoon Suk Yeol chính thức bị cách chức vào đầu tháng 4. Cuộc bầu cử tổng thống mới dự kiến diễn ra vào ngày 3/6, song khoảng trống quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp đang tác động tiêu cực đến lòng tin thị trường và người tiêu dùng.
Ngân hàng Hàn Quốc lưu ý tăng trưởng năm 2025 sẽ phụ thuộc lớn vào diễn biến đàm phán thương mại toàn cầu, chính sách tài khóa trong nước, cũng như tốc độ phục hồi của các ngành công nghiệp chủ lực. Dù đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,75% trong tháng 4, ngân hàng này để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ trong các tháng tới nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Một số chuyên gia nhận định khả năng giảm lãi suất trong tháng 5 là điều có thể xảy ra nếu các chỉ số kinh tế tiếp tục xấu đi.
Tùng Lâm