Trong cao điểm truy quét hàng giả hàng lậu, nhiều nhà xuất bản, công chúng mong ngóng sách giả cũng bị xử phạt thích đáng. Ông Phạm Tuấn Vũ - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho biết các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản như Cục Xuất bản, Bộ Thông tin Truyền thông trước đây và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện nay, đang kiện toàn Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương.
Đoàn liên ngành đã hoạt động được 16 năm, với thành phần gồm 5 Bộ tham gia gồm: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại địa phương, có đội liên ngành phòng chống in lậu của tỉnh, thành phố. Các Đoàn, đội đều có lực lượng nòng cốt là công an, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn in lậu.
“Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn liên ngành đã có buổi làm việc về công tác phòng chống in lậu năm 2025 để kiện toàn tổ chức. Hiện nay, in lậu thường xảy ra ở các địa phương nên Đoàn liên ngành Trung ương cũng có mối liên hệ với các đội liên ngành địa phương để nắm bắt tình hình, phối hợp đội liên ngành địa phương phát hiện các vụ việc, ngăn chặn hành vi chuẩn bị làm sách lậu”, ông Phạm Tuấn Vũ nói.
Ông Phạm Tuấn Vũ, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Y Nguyên.
Trong 16 năm hoạt động, Đoàn/đội liên ngành Trung ương và địa phương đã phát hiện vi phạm hành chính hàng nghìn vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi tiêu hủy hàng triệu xuất bản phẩm vi phạm, kịp thời chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
Trong 5 năm trở lại đây, Bộ Công an đã phát hiện được một số vụ in lậu sách giáo dục với quy mô lớn, có những vụ án đã khởi tố và đưa ra xét xử với những mức án thích đáng cho các tổ chức, cá nhân in lậu.
Cần đưa sản xuất sách giả vào tội sản xuất hàng giả
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Vũ cũng cho biết, công tác truy quét sách giả còn gặp một số khó khăn. Trước hết, công nghệ in phát triển khiến lực lượng chống sách giả phải có thiết bị đặc chủng để phát hiện. Các cá nhân, tổ chức thường khó phát hiện sách giả để tố giác. Ngoài ra, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng cần có giải pháp đồng bộ các quy định liên quan tới hành vi làm giả, làm lậu sách. “Cần đưa hành vi liên quan sách lậu, sách giả vào tội sản xuất, tiêu thụ, tàng trữ hàng giả. Như vậy có những chế tài sẽ xử lý vấn đề này được tốt hơn”, ông Vũ nhận định.
Hiện nay, theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP, mức phạt tối đa 250 triệu đối với cá nhân hoặc 500 triệu đồng với tổ chức vi phạm quyền tác giả. Một số đơn vị xuất bản đánh giá mức phạt này còn nhẹ so với lợi nhuận mà kẻ in lậu sách thu được.
Trước ý kiến này, ông Phạm Tuấn Vũ cho biết: “Chế tài cần phải được nâng lên một mức nữa. Cần tìm cách để chế tài đủ mạnh, đủ nặng để lợi nhuận của in lậu không thể hưởng ở mức cao hơn được”. Lợi nhuận từ hoạt động in lậu sách khá lớn, bởi vậy thu hút nhiều kẻ in lậu gia nhập thị trường. Khi đánh vào yếu tố kinh tế, tất yếu động lực in lậu của họ sẽ giảm, vấn nạn này sẽ được đẩy lùi.
Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đề xuất cơ quan xây dựng chế tài xử phạt các đơn vị in lậu có thể nghiên cứu phương án tịch thu phương tiện làm lậu, cụ thể là máy in, để tăng tính răn đe với kẻ vi phạm pháp luật.
Giữa tháng 7/2024, Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, phát hiện Nguyễn Phong Lai có dấu hiệu hành vi buôn bán hàng giả, trị giá hàng hóa tính theo giá ghi trên bìa sách hơn 1,3 tỷ đồng. Ảnh: Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh.
Trung ương, địa phương kết hợp xử lý sách giả
Nhận thấy công tác chống sách giả cần sự chung tay của cộng đồng, Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương ra mắt số đường dây nóng để người dân báo cáo vụ việc (032 961 0717).
Ông Mai Quốc Bảo - Thành viên, Thư ký Tổ thường trực Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương - cho biết đường dây nóng sẽ tiếp nhận các thông báo khẩn cấp của người dân về vụ việc in lậu, sau đó sẽ gửi báo cáo tới các Cục, Sở, để các đội liên ngành và cơ quan địa phương tiếp tục xử lý.
Tại mỗi địa phương, hàng năm đều có kế hoạch và ấn định số lượng các cuộc kiểm tra, thanh tra. Số cuộc kiểm tra, thanh tra được cân đối tỉ lệ theo số lượng nhà in, cơ sở phát hành sách trên địa bàn.
Theo số liệu tập hợp báo cáo từ các Đội liên ngành địa phương trong 3 năm gần đây 2022-2024, đã có 462 đợt tập huấn, 2.975 cuộc kiểm tra, thanh tra, 176 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Cần thực hiện đồng bộ 7 biện pháp phòng chống in lậu
Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, để phòng chống in lậu một cách hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ bảy biện pháp, phối hợp đa bên từ nhà xuất bản, nhà in tới người tiêu dùng, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng:
Một, nhà xuất bản cần quản lý chặt chẽ file in chuyển xuống cơ sở in, thu hồi ngay khi đã in xong; có hợp đồng quy định chặt chẽ về việc giao nhận file in.
Hai, nhà xuất bản cần chọn cơ sở in uy tín, tránh các cơ sở nhỏ lẻ, dễ tuồn sách ra in lậu.
Ba, nhà xuất bản chủ động in tem giả để tự bảo vệ sách thật.
Bốn, nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ số lượng phát hành của nhà xuất bản tới các cơ sở phát hành sách: nếu đơn vị phát hành bán hơn số lượng hai bên giao kết ban đầu nghĩa là có thể có hành vi bán sách lậu.
Năm, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cần tăng cường khâu kiểm tra, rà soát. Nếu cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng làm tốt vai trò kiểm tra của mình thì sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được in lậu.
Sáu, tuyên truyền cho người dân, quần chúng, người sử dụng sách tẩy chay với sách giả, không tiếp tay cho sách giả.
Bảy, tổ chức tập huấn với các đội phòng chống liên ngành của địa phương để phổ biến kiến thức nghiệp vụ về phòng chống in lậu, phối hợp tìm ra các vụ việc tại địa bàn hay xảy ra in lậu.
Sau đợt sáp nhập tỉnh thành gần đây, chức năng phòng chống in lậu tại từng địa phương sẽ tiếp tục được kiện toàn. Các địa phương có thể chọn thành lập đội liên ngành phòng chống in lậu một cách độc lập, hoặc lồng ghép công tác này trong công tác liên ngành ở địa phương.
Thúy Hạnh