Ba năm xung đột với Ukraine, Nga 'thân' hơn với Trung Quốc, mọi thứ không hẳn đã tốt hơn

Ba năm xung đột với Ukraine, Nga 'thân' hơn với Trung Quốc, mọi thứ không hẳn đã tốt hơn
6 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. (Nguồn: Getty Images)
Trong ba năm qua, nền kinh tế Nga không có gì thay đổi nhiều bằng mối quan hệ thương mại của nước này với phần còn lại của thế giới.
Theo Đài quan sát độ phức tạp kinh tế (OEC), năm 2021, gần 50% kim ngạch xuất khẩu của Nga sang các nước châu Âu, bao gồm Belarus và Ukraine, là các sản phẩm năng lượng, chủ yếu là dầu thô và khí đốt.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, chưa đầy hai năm sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, bức tranh đã hoàn toàn thay đổi.
Số liệu mới công bố của OEC năm 2023 cho thấy, Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường xuất khẩu chính của Nga, lần lượt chiếm 32,7% và 16,8% trong tổng kim ngạch thương mại. Để so sánh, năm 2021, Trung Quốc chiếm 14,6% kim ngạch xuất khẩu của Nga, trong khi Ấn Độ chỉ chiếm 1,56%.
Hai nước này đã thay thị phần của các quốc gia châu Âu ở xứ bạch dương.
Năm 2023, các nước châu Âu chỉ chiếm 15% lượng xuất khẩu của Nga, giảm mạnh so với mức gần 50% của hai năm trước đó.
Hiện tại, OEC chưa công bố số liệu năm 2024. Thế nhưng dữ liệu do nhóm nghiên cứu kinh tế Bruegel tại Brussels công bố cho thấy, các điểm đến xuất khẩu của hàng hóa Nga phần lớn phù hợp với số liệu năm 2023.
Sự thay đổi quan trọng nhất
Bức tranh xuất khẩu của Nga thay đổi kể từ năm 2022 phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là: Liên minh châu Âu (EU) chuyển hướng mạnh mẽ khỏi việc mua dầu, khí đốt của Nga, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ thay thế EU, trở thành người mua chính.
Lượng dầu thô do khối 27 thành viên mua của Moscow đã giảm 90% kể từ năm 2022.
Trong khi EU đã giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, từ 40% nguồn cung vào năm 2021 xuống còn 15% vào năm 2024.
Ông Zsolt Darvas, một trong những nhà nghiên cứu tại Bruegel nhận định: "Đã có sự chuyển hướng thương mại lớn từ phương Tây. Ngược lại, các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan - đã tăng đáng kể hoạt động thương mại với Nga".
Theo số liệu của OEC, xuất khẩu của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 4,18% (năm 2021) lên 7,86% (năm 2023).
Trong khi đó, theo trang DW, sự thay đổi tổng thể quan trọng nhất đối với xứ bạch dương chính là bản chất mối quan hệ với Trung Quốc về cả thương mại và địa chính trị.
Bà Elina Ribakova, một nhà kinh tế tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington cho rằng, tầm quan trọng thương mại của Trung Quốc đối với Nga hiện nay đã mất cân bằng đến mức Bắc Kinh có đòn bẩy lớn đối với Moscow.
Bà nhấn mạnh: "Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, trong khi xứ bạch dương chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong xuất khẩu của đất nước tỷ dân".
Nhà nghiên cứu Darvas cho rằng, Moscow ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh để cung cấp nhiều linh kiện, hàng hóa công nghệ cao và vật liệu sản xuất trước lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Nga là một quốc gia lớn nhưng không có khả năng tự cung tự cấp. Vì vậy, họ phải mua những sản phẩm này từ nơi khác. Và Trung Quốc là một trong những bạn hàng lớn", ông Darvas nêu.
Bên cạnh việc bán sản phẩm của mình cho Nga, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các sản phẩm do phương Tây sản xuất cho nước này. Trung Quốc mua hàng hóa từ phương Tây, sau đó, tái xuất khẩu đến xứ bạch dương.
Nhà kinh tế Elina Ribakova nói: "Điều không thể phủ nhận là Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ như một nhà cung cấp hàng hóa cho Nga".
Theo dữ liệu của OEC, Trung Quốc cung cấp cho Nga tới 53% lượng hàng nhập khẩu vào năm 2023, tăng mạnh so với mức 25,7% vào năm 2021.
Một thế giới mới
Mặc dù hoạt động thương mại của Nga đã có sự chuyển đổi, các chuyên gia cho rằng, tình hình chưa hẳn đã tốt hơn.
Như bà Elina Ribakova lập luận, mọi thứ không diễn biến quá tệ với nền kinh tế Nga như nhiều người lo ngại và việc các đối tác thương mại đang thay đổi phản ánh sự chấp nhận trật tự toàn cầu đa cực mới.
Bà nhấn mạnh: "Đối với Tổng thống Putin, tôi nghĩ đây là một lộ trình dễ chịu vì họ muốn có một thế giới đa cực, nơi họ muốn gắn bó với Trung Quốc nhiều hơn. Và họ có lẽ sẽ vui vẻ chấp nhận sự ràng buộc về mặt kinh tế với nước này".
Tuy nhiên, nhà kinh tế này cũng cảnh báo, sự phụ thuộc vào Bắc Kinh khiến Moscow dễ bị tổn thương - đó là điều mà Nga cần tính đến.
(theo DW)
Linh Chi
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/ba-nam-xung-dot-voi-ukraine-nga-than-hon-voi-trung-quoc-moi-thu-khong-han-da-tot-hon-305369.html