Ông quê ở huyện Hạ Hòa, Phú Thọ được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện trong tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt sau khi uống rượu vào buổi tối hôm trước. Tại đây, ông có các cơn kích thích vật vã, huyết áp tăng cao, thở nhanh sâu – dấu hiệu của suy hô hấp, nên được chuyển tuyến gấp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Người đàn ông được đưa đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc yêu cầu trong trạng thái hôn mê, phải thở máy qua ống nội khí quản, da lạnh, nổi vân tím toàn thân.
Kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị toan chuyển hóa rất nặng, suy thận cấp, rối loạn điện giải nghiêm trọng. Xét nghiệm máu phát hiện nồng độ Methanol là 48,7 mg/dl – vượt ngưỡng nguy hiểm, được chẩn đoán ngộ độc Methanol biến chứng suy đa tạng.
ThS.BS Trương Thanh Hùng thăm khám cho người bệnh.
Các bác sĩ điều trị tích cực với các biện pháp hồi sức cấp cứu hiện đại như lọc máu liên tục, thở máy, điều chỉnh toan kiềm, cân bằng dịch và điện giải.
Người bệnh được truyền ethanol 20% qua đường dạ dày - biện pháp giải độc đặc hiệu - đồng thời duy trì lọc máu liên tục để làm giảm nồng độ Methanol trong máu. Sau 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại, các chỉ số sinh tồn ổn định, được rút ống nội khí quản và không để lại di chứng thần kinh, thị giác hay tổn thương cơ quan.
ThS.BS Trương Thanh Hùng, người trực tiếp điều trị, cho biết đây là một trong những ca ngộ độc Methanol nặng hiếm gặp nhưng được cứu sống nhờ phát hiện sớm, can thiệp kịp thời bằng kỹ thuật hiện đại.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc yêu cầu, Methanol có trong cồn công nghiệp, dung môi sơn, xăng dầu… Khi vào cơ thể, Methanol chuyển hóa thành Formaldehyde và axit Formic, những chất cực độc gây tổn thương thần kinh thị giác, toan chuyển hóa nặng và suy đa cơ quan. Chỉ với 5-15ml Methanol có thể gây ngộ độc nặng, 30ml có thể dẫn đến tử vong.
Các biểu hiện ngộ độc Methanol có thể khởi phát sau vài giờ đến một ngày, gồm chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mờ mắt. Trường hợp nặng có thể gây co giật, hôn mê, suy hô hấp, rối loạn tuần hoàn và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
“Hiện nhiều loại rượu, bia giả hoặc cồn sát khuẩn giả chứa chủ yếu Methanol nhưng không có hoặc rất ít ethanol - chất cồn thường dùng trong thực phẩm. Người dân cần cảnh giác khi sử dụng rượu, bia, đặc biệt phải chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Nghi ngờ uống phải Methanol, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có biểu hiện bất thường như mờ mắt, vã mồ hôi, bủn rủn tay chân, co giật, hôn mê… để được cứu chữa kịp thời”, bác sĩ Mai cảnh báo.
Như Loan