Bà Rịa - Vũng Tàu: Dạy học sinh nhớ quy tắc '6 không' để tránh bị lừa đảo qua mạng

Bà Rịa - Vũng Tàu: Dạy học sinh nhớ quy tắc '6 không' để tránh bị lừa đảo qua mạng
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 20-12, tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Vũng Tàu), Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức diễn đàn "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng".
Theo Sở TT&TT, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách hiện nay. Trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và cần đến sự chung tay của toàn xã hội.
Các em học sinh ít được trang bị kỹ năng tự vệ, có nguy cơ chịu nhiều rủi ro như dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật; bị xâm hại tình dục, bị lừa đảo qua các trò chơi trên mạng…
Vì vậy, diễn đàn này nhằm trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em; trang bị kỹ năng số để trẻ em tự biết bảo vệ mình và tương tác an toàn trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em, lừa đảo qua mạng...
Tham gia trao đổi tại diễn đàn, có hai báo cáo viên là ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở TT&TT; Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM.
Ông Trương Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu các hình thức lừa đảo trên mạng thường xuyên diễn ra tại Việt Nam. Ảnh: TRÙNG KHÁNH
Tại diễn đàn, ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở TT&TT Bà Rịa - Vũng Tàu trao đổi, tương tác với học sinh xoay quanh chuyên đề bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; giao tiếp trên mạng xã hội an toàn - thông minh.
Trong đó nhấn mạnh đến các hành vi bị nghiêm cấm sử dụng không gian mạng theo Luật An ninh mạng năm 2018; Các hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng có chiều hướng tăng trong thời gian các năm gần đây.
Theo ông Chiến, chỉ tính trong năm 2023 có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Vũng Tàu) tham gia tương tác, trả lời các câu hỏi về kiến thức, xử lý tình huống có thể gặp trên không gian mạng. Ảnh: TK
Trong đó có nhiều thủ đoạn lừa đảo "nhắm" vào phụ huynh học sinh, người thân, người lớn tuổi như: Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ; Lừa đảo cuộc gọi video Deepface, Deepvoice; Giả danh giáo viên/Nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; Lừa đảo tuyển người mẫu nhí; Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, tín dụng đen; Đánh cắp tài khoản mạng xã hội; Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ; Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính...
Từ đó, Phó giám đốc Sở TT&TT cũng nêu một số cách thức để các em học sinh có thể nhận diện, kỹ năng phòng tránh việc bị lừa đảo qua mạng.
Trong đó nhấn mạnh cần tuân thủ quy tắc "6 không": Không kết bạn và nói chuyện với người lạ. Tuyệt đối không nhận lời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích, đối tượng; Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng...;
Quy tắc "6 KHÔNG" cần tuân thủ để tránh bị lừa đảo qua mạng. Ảnh: Tài liệu
Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định; Không thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không được đặt cọc, chuyển tiền cho các đối tượng lạ; Không cán bộ cơ quan Nhà nước, Bộ Công an, VKS, Tòa án hay đơn vị tài chính nào gọi điện thoại để điều tra qua điện thoại.
Qua các thông tin được báo cáo viên đưa ra, học sinh tham dự đã cùng tương tác, trao đổi, trả lời trực tiếp; nêu những kiến thức, giải pháp của các em xử lý trong từng tình huống...
Trùng Khánh
Nguồn PLO : https://plo.vn/ba-ria-vung-tau-day-hoc-sinh-nho-quy-tac-6-khong-de-tranh-bi-lua-dao-qua-mang-post825984.html