Bà Rịa - Vũng Tàu: Điểm sáng của cả nước về giảm nghèo

Bà Rịa - Vũng Tàu: Điểm sáng của cả nước về giảm nghèo
15 giờ trướcBài gốc
Chợ quê An Nhứt bên bờ lúa ở xã Cầu Móc, huyện Long Điền là một trong những cách làm sáng tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong gắn nghề nông của bà con với phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: HNM
Đa dạng cách làm
Từ sự nỗ lực tìm tòi của bản thân qua lĩnh hội thông tin từ những chương trình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, gia tăng giá trị canh tác và sự hỗ trợ của Hội Nông dân, ông Lê Văn Hải ở xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã dần chuyển đổi từ trồng mía, ngô sang trồng khoai môn trên diện tích 1,2ha. “Cách làm này giúp gia đình tôi thu nhập đạt từ 150-200 triệu đồng/năm, cao gấp 3-4 lần so với trước”, ông Hải cho biết.
Đặc biệt, nhiều nông dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ đã thành công với mô hình trồng khoai mài trên đất cát, mang lại thu nhập cao, ổn định. Trước đây, cây khoai mài (còn gọi là Hoài Sơn) vốn là loại thực phẩm, dược liệu có giá trị cao, nhưng chủ yếu được người dân lên rừng khai thác từ tự nhiên.
Với việc áp dụng phương thức canh tác mới qua hướng dẫn của chuyên gia, 44 hộ nông dân xã Phước Hải đã đầu tư 72.000m2 đất chuyên trồng cây khoai mài với hệ thống giàn leo và hệ thống tưới phun sương bán tự động trồng khoai mài, thu hoạch sau khoảng 9 tháng chăm sóc. Hiện nay, khoai mài đã trở thành đặc sản, tiêu thụ tốt. Đáng chú ý, khoai mài Phước Hội đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, công nhận OCOP 3 sao và cấp 7 mã vùng trồng khoai mài với diện tích 1,1ha.
Với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có nhiều cách làm hiệu quả giúp bà con giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Hiện, tỉnh có gần 9.000 hộ với 26.000 nhân khẩu thuộc 38 dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hoa, Khmer, Tày, Nùng, Chơ Ro… sống xen kẽ với đồng bào Kinh ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu…
Từ cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 với tổng mức đầu tư hơn 634 tỷ đồng cho nhiều nội dung. Đơn cử, chỉ trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, tỉnh đã chi hơn 280 tỷ đồng hỗ trợ bà con xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhà vệ sinh, lắp điện sinh hoạt, nước sinh hoạt; hỗ trợ về văn hóa, giáo dục, phát triển sản xuất, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đầu tư cơ sở hạ tầng… cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, tỉnh đầu tư 23 công trình giao thông; xây mới 187 nhà ở; sửa chữa 178 nhà ở; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 218 hộ; hỗ trợ điện sinh hoạt cho 100 hộ; hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo có nhu cầu chăn nuôi… Nhờ vậy, đồng bào dân tộc Khmer, Tày… ở ấp Gò Sầm, xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) đã có đường nhựa rộng đẹp thay cho đường đất. Điện được đưa tới từng nhà cho 500 nhân khẩu đồng bào dân tộc Chơ ro tại ấp Tân Thuận (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ)…
Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Văn Hạnh, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy những cách làm hay
Với nhiều cách làm hiệu quả, từ năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Năm 2024, tỉnh phấn đấu không còn hộ nghèo là bà con dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục giảm số hộ nghèo theo tiêu chuẩn tỉnh (hiện còn khoảng 0,23%) và tiếp tục giúp các hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu theo phương châm: Trao “cần câu”, khơi dậy nội lực để bà con vươn lên với nhiều cách làm hiệu quả.
Hội Nông dân thành phố Bà Rịa vừa tổ chức buổi bàn giao vật tư nông nghiệp trị giá 134 triệu đồng thuộc mô hình phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững năm 2024 cho 9 hộ hội viên. Ảnh: HNM
Đơn cử, theo thống kê, đến đầu năm 2024, số hộ nghèo theo chuẩn tỉnh của thành phố Bà Rịa là 56/30.116 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,18%. Để giảm số này, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND thành phố Bà Rịa, các cấp, các ngành thành phố Bà Rịa đã phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xét duyệt cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền 520 triệu đồng. Cùng các chính sách đồng bộ khác, dự kiến đến hết năm 2024, thành phố Bà Rịa sẽ giảm thêm được 11 hộ nghèo.
Còn tại huyện Đất Đỏ, từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân duy trì phong trào “Nông dân giúp nông dân”. Qua đó, có 94 hộ giúp 195 hộ khó khăn vươn lên với tổng trị giá 906 triệu đồng. Hiện, toàn huyện có 4.048 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 71,41%. Huyện Châu Đức duy trì mô hình “con giống nhân đôi”. Theo đó, hộ nghèo đã được hỗ trợ phát triển đàn vật nuôi tốt, sẽ chia sẻ lại con giống cho các hộ nghèo khác cùng vươn lên…
Hội Nông dân huyện Đất Đỏ trao con giống tạo sinh kế giảm nghèo cho hội viên xã Long Tân. Ảnh: HNM
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Hồng Ngọc cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã cùng chung tay với nhiều giải pháp, chương trình được triển khai đồng bộ, đã giúp người dân không trông chờ, ỷ lại để được giúp đỡ, mà đã tận dụng được sự hỗ trợ để nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành điểm sáng của cả nước về giảm nghèo.
Nhóm phóng viên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ba-ria-vung-tau-diem-sang-cua-ca-nuoc-ve-giam-ngheo-686413.html