Quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ
Theo phương án tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ đa phương thức, bao gồm: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không. Hệ thống giao thống này sẽ kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả trong hoạt động giao nhận vận tải. Điều này sẽ tăng thêm sức hút đầu tư, là động lực thúc đẩy kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển.
Về đường bộ, tỉnh tập trung xây dựng các dự án phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn gồm: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Quốc lộ 55, Quốc lộ 56, Quốc lộ 51, Quốc lộ 51C và đường ven biển…
Về đường thủy, theo quy hoạch sẽ phát triển hành lang vận tải thủy nội địa kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm: Tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ; Tuyến Vũng Tàu (khu cảng biển Cái Mép Thị Vải) - TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh; Tuyến vận tải thủy ven bờ phục vụ vận chuyển hàng từ các cảng biển của tỉnh đi về khu vực Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.
Cảng cạn Phú Mỹ đi vào hoạt động kỳ vọng hình thành một trung tâm logistics hoàn chỉnh, tăng hiệu quả khai thác cảng biển cho toàn vùng Đông Nam bộ
Về đường sắt kết nối vùng sẽ có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đối với đường sắt đô thị, sau năm 2030, sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 tuyến gồm: Tuyến số 1 hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của TP. Vũng Tàu; Tuyến số 2 kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu; Tuyến số 3 kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai).
Về đường hàng không, tỉnh sẽ phát triển cảng hàng không Côn Đảo và 2 sân bay chuyên dùng là sân bay Gò Găng và sân bay Đất Đỏ.
Nhiều dự án sắp về đích
Hiện nay, một số dự án giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đã và đang được khẩn trương thực hiện. Đây là những dự án rất cấp thiết trước mắt cũng như lâu dài, tạo ra động lực mới, hình thành các không gian phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển bền vững, đồng thời phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của tỉnh.
Thời điểm này, tại công trường các dự án giao thông quan trọng như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B đang hối hả trong giai đoạn nước rút, từng bước về đích. Dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng; khối lượng thi công đạt 50% giá trị công trình. Toàn tuyến được trải bám dính và đang chờ thời tiết ổn định để rải nhựa, phần cầu cũng được thi công bảo đảm tiến độ.
Điểm đầu cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn thuộc dự án thành phần 3 dài 19,5 km qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được nhà thầu thảm nhựa nhiều đoạn. Dự kiến, toàn bộ đoạn cao tốc này sẽ thông xe kỹ thuật cuối tháng 4/2025
Dự án cầu Phước An, gói thầu số 38 xây lắp cầu dẫn từ đầu tuyến đến trụ dẫn T36-T37 đạt hơn 50% kế hoạch; gói thầu số 39 xây lắp cầu dẫn từ trụ dẫn T37-T40 cũng đang huy động thiết bị, nhân lực tập trung hoàn thành mặt bằng công trường, đường công vụ, mố nhô phục vụ thi công công trình. Dự kiến đến tháng 12/2025, gói thầu số 38 sẽ hoàn tất 37 nhịp cầu dẫn. Dự án đường 991B cũng đã đạt từ 80% - 89% khối lượng công việc.
Nhiều dự án đang kêu gọi đầu tư
Bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm đang triển khai, tỉnh cũng đã lên kế hoạch kêu gọi đầu tư các dự án quan trọng khác trong giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn 2024 - 2030, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 dự án giao thông kết nối quan trọng gồm:
Đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này sẽ kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế phía Nam, kết nối khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long với khu vực Đông Nam Bộ, kết nối với cảng Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.
Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế phía Nam góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ chất lượng cao theo quy hoạch đường sắt quốc gia.
Đường sắt kết nối cảng, chiều dài 14,4 km, kết nối các huyện trong tỉnh, kết nối với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng Cái Mép - Thị Vải và trung tâm logistics Cái Mép Hạ.
Dự án nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Côn Đảo thành cảng dân dụng tầm cỡ quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Các dự án trên được kỳ vọng sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững trong tương lai.
Hồng Út