Trong vòng 100 ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng định hình một chính quyền với những thay đổi chính sách táo bạo, tập trung vào ngành năng lượng, tài chính và tiền mã hóa.
Điểm nổi bật là nội các gồm nhiều tỷ phú, CEO quyền lực và những nhân vật thân cận, tạo nên dấu ấn rõ nét trong các quyết sách. Tuy nhiên, những động thái này cũng làm dấy lên lo ngại về xung đột lợi ích, nguy cơ làm mờ ranh giới giữa lợi ích công và tư.
Chính sách "tài phiệt"
Trong một tuyên bố hồi tháng 3, Tổng thống Trump đã khẳng định: “Chính quyền của tôi sẽ lấy lại quyền lực từ bộ máy hành chính không ai kiểm soát này”.
Tuy nhiên, từ chính sách tiền mã hóa, năng lượng, đến việc thúc đẩy mạng Internet vùng sâu vùng xa, các ưu tiên của chính quyền Trump lại trùng khớp kỳ lạ với lợi ích tài chính của những người thân cận ông - và cả bản thân ông.
“Chính quyền này khác hẳn với các chính quyền gần đây, kể cả nhiệm kỳ trước của ông Trump”, giáo sư luật Richard Briffault tại Đại học Columbia nhận định. “Mức độ coi thường các chuẩn mực như vậy khiến người ta liên tưởng đến thời kỳ trước vụ Watergate”.
Sau bê bối Watergate những năm 1970, Quốc hội Mỹ đã thông qua hàng loạt đạo luật nhằm củng cố trách nhiệm giải trình trong nhánh hành pháp, từ việc giám sát tài chính đến hạn chế ảnh hưởng của giới vận động hành lang.
Nhưng chỉ trong vài tuần đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã phá bỏ những thành tựu này.
Ông sa thải hơn chục tổng thanh tra tại các cơ quan liên bang, bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan giám sát đạo đức công, và ký sắc lệnh tạo điều kiện để các cựu vận động hành lang quay lại chính phủ với vai trò giám sát chính các ngành họ từng đại diện. Những động thái này bị chỉ trích làm xói mòn hệ thống đạo đức công vụ vốn mất hàng thập kỷ để xây dựng.
Sự khác biệt còn thể hiện rõ trong thành phần nội các. Nếu chính quyền Biden ưu tiên các chính trị gia và công chức lâu năm, ông Trump lại chọn các CEO và nhân vật quyền lực từ ngành tài chính, năng lượng.
Nội các toàn tỷ phú, tài phiệt của ông Trump. Ảnh: Reuters.
Theo phân tích của CNN dựa trên hàng chục bản khai tài chính và đạo đức, trong số 21 thành viên nội các, ít nhất 7 người sở hữu tài sản trên 10 triệu USD, một số là tỷ phú.
Howard Lutnick, một nhân vật gạo cội phố Wall từ những năm 1990 với tài sản ước tính 3,1 tỷ USD, vượt xa tổng tài sản tối đa của toàn bộ nội các mãn nhiệm dưới thời Biden.
Năm thành viên nội các công khai nắm giữ tài sản trên 50 triệu USD, mức cao nhất trong lịch sử kê khai. Riêng Elon Musk, người giàu nhất thế giới với tài sản khoảng 371 tỷ USD, không phải công khai bất kỳ thông tin tài chính nào do chỉ giữ vai trò “nhân viên chính phủ đặc biệt” làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch.
Đặt cược vào tiền mã hóa
Trên đường vận động tranh cử, ông Trump cam kết biến nước Mỹ thành “thủ đô tiền mã hóa của hành tinh”.
Bắt đầu từ nhiệm kỳ hai, ông nhanh chóng triển khai các biện pháp mạnh mẽ: thành lập quỹ dự trữ bitcoin quốc gia, giải thể lực lượng đặc nhiệm thời Biden điều tra tội phạm tiền mã hóa, bổ nhiệm một đồng minh của Musk làm “ông hoàng crypto” và bãi bỏ quy định ngân hàng hạn chế các tổ chức tài chính sở hữu tài sản số.
Bản thân ông Trump và gia đình cũng tích cực tham gia thị trường này, ra mắt công ty World Liberty Financial, tung đồng meme coin mang tên ông, và mua cổ phần trong American Bitcoin - một doanh nghiệp khai thác bitcoin. Công ty truyền thông của Trump cũng công bố kế hoạch đầu tư lớn vào bitcoin và các loại tiền mã hóa khác.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, người ủng hộ hợp pháp hóa bitcoin, từng tiết lộ công ty Cantor Fitzgerald của ông có “hàng trăm triệu USD” tiếp xúc với bitcoin.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick từng là một nhân vật gạo cội của phố Wall và có mối liên hệ với các công ty tiền điện tử
Dù đã chuyển giao quyền điều hành cho con trai, Lutnick vẫn bị chỉ trích vì mối quan hệ quyền lợi chưa được tách bạch.
“Dù chuyển giao cho con, bạn vẫn có lợi ích gián tiếp từ thành công của công ty”, giáo sư Briffault nhấn mạnh. Cantor Fitzgerald hiện do con trai Lutnick điều hành, nhưng không phản hồi yêu cầu bình luận từ báo chí.
Ít nhất tám quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, bao gồm Bộ trưởng Giao thông Sean Duffy, Bộ trưởng Y tế Kennedy và Giám đốc Trung tâm Medicare & Medicaid Mehmet Oz, khai báo sở hữu trên 500.000 USD tài sản tiền mã hóa, dù một số cam kết thoái vốn.
Tuy nhiên, các động thái này chưa mang lại cú hích rõ rệt cho thị trường. Giá bitcoin tăng gần 50% sau chiến thắng bầu cử của Trump nhưng đã giảm 9% gần đây, phản ánh sự biến động chung của thị trường chứng khoán.
Dù vậy, giáo sư Eric Talley từ Đại học Columbia cho rằng việc chính quyền Trump thúc đẩy tiền mã hóa, đặc biệt là dự trữ bitcoin chiến lược, là điều “đáng ngờ”.
“Nếu bạn nắm giữ lượng lớn tiền mã hóa, việc khiến chính phủ Mỹ bảo đảm sự ổn định của thị trường sẽ đem lại lợi ích kinh tế khổng lồ”, ông nói.
Thống trị năng lượng
Là cựu CEO của Liberty Energy - một công ty khai thác dầu đá phiến bằng phương pháp fracking - Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright từng chỉ trích mạnh mẽ các quy định môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thậm chí tuyên bố “không có khủng hoảng khí hậu”.
Ông Chris Wright, cựu CEO của Liberty Energy, làm Bộ trưởng Năng lượng là người ủng hộ mạnh mẽ việc khai thác nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: Reuters.
Giờ đây, trên cương vị bộ trưởng, ông có toàn quyền đảo ngược những chính sách mà công ty cũ của mình từng phản đối. Wright yêu cầu Bộ Năng lượng tập trung vào “thống trị năng lượng” từ bỏ mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nới lỏng quy định về nhiên liệu hóa thạch, và đẩy nhanh các dự án xuất khẩu khí đốt tự nhiên.
Trong khi đó, các dự án năng lượng tái tạo bị xem nhẹ, với nhiều trang web quảng bá năng lượng mặt trời bị gỡ bỏ và danh sách dự án năng lượng sạch đối mặt nguy cơ cắt giảm.
“Việc một cựu CEO ngành fracking điều hành Bộ Năng lượng là xung đột lợi ích nghiêm trọng”, một nhân viên Bộ Năng lượng ẩn danh chia sẻ.
Sự thiên vị của Wright còn thể hiện qua việc bổ nhiệm nhiều cộng sự cũ từ Liberty Energy vào các vị trí quan trọng, bao gồm giám đốc lịch trình, một cố vấn cá nhân và một thành viên hội đồng quản trị công ty – người đang được đề cử làm Thứ trưởng Năng lượng. Những động thái này củng cố ảnh hưởng của ngành nhiên liệu hóa thạch trong chính sách năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là một hành vi xung đột lợi ích được thực hiện kín đáo, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ để phát hiện. Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright tiết lộ sẽ nhận khoản thưởng 1 triệu USD từ chính công ty ông sáng lập, nơi ông hiện gián tiếp giám sát trên cương vị bộ trưởng.
Dẫu vậy, người phát ngôn Bộ Năng lượng cho biết họ đang rà soát tất cả hoạt động để bảo đảm tuân thủ pháp luật và phù hợp với ưu tiên của chính quyền. “Chính quyền Tổng thống Trump theo đuổi chiến lược ‘bổ sung năng lượng’ – tức là chấp nhận mọi loại hình năng lượng miễn là đảm bảo chi phí, độ tin cậy và an ninh”, người này nói, đồng thời khẳng định Wright tuân thủ đầy đủ các quy định đạo đức.
Điều chỉnh có lợi cho SpaceX
Bên cạnh những xung đột được thực hiện công khai trong lĩnh vực năng lượng, Một số trường hợp diễn ra công khai, như việc Tổng thống Trump biến khuôn viên Nhà Trắng thành nơi quảng bá không chính thức cho Tesla – thương hiệu của Elon Musk, cố vấn thân cận kiêm nhà tài trợ hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện với giới truyền thông bên cạnh Elon Musk, với một chiếc xe Tesla phía sau, tại Nhà Trắng ngày 11/3. Ảnh: Reuters.
Đang chú ý, chính quyền cũng bật đèn xanh cho Starlink, công ty Internet vệ tinh của Musk, giành thêm nhiều hợp đồng liên bang sau nhiều năm nỗ lực không thành, từ đó mở rộng đáng kể ảnh hưởng của doanh nghiệp này trong các chương trình kết nối vùng sâu vùng xa.
Tháng trước, Lutnick tuyên bố Bộ Thương mại sẽ chấm dứt các “mệnh lệnh thức tỉnh” và “thiên vị công nghệ”. Trên thực tế, điều này có thể mở ra hàng tỷ USD cho các công ty cung cấp Internet vệ tinh.
Theo Wall Street Journal, chỉ riêng SpaceX có thể thu về tới 20 tỷ USD từ chương trình được sửa đổi này. Hiện Starlink là đơn vị dẫn đầu về cung cấp Internet vệ tinh thương mại, song Amazon và các công ty khác có thể cạnh tranh trong tương lai.
Phương Linh