Bà Trần Thị Lan 'Khéo vun trồng, giỏi chăn nuôi'

Bà Trần Thị Lan 'Khéo vun trồng, giỏi chăn nuôi'
3 ngày trướcBài gốc
Bà Trần Thị Lan (áo đỏ) đang giới thiệu mô hình trồng cây ăn quả của gia đình.
Cũng như bao người phụ nữ khác, những năm đầu lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng bà Lan đối diện với không ít nhọc nhằn khi thu nhập bấp bênh. Thế nhưng, với đức tính cần cù, chịu khó và tinh thần "tích tiểu thành đại", sau một thời gian chắt chiu, vợ chồng bà đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp trên diện tích gần 5 ha. Quyết định táo bạo ấy đã mở ra một trang mới, giúp gia đình bà từng bước ổn định và làm giàu ngay trên chính mảnh đất "chôn rau cắt rốn".
Chia sẻ về bí quyết phát triển mô hình cây ăn quả, bà Lan không ngần ngại tiết lộ: "Tôi luôn chủ động tham gia các câu lạc bộ trong xã như câu lạc bộ trồng cây hoa quả, nước sạch và các mô hình phát triển kinh tế khác. Nhờ những buổi sinh hoạt ý nghĩa này và những kiến thức thu được từ các lớp tập huấn, tôi đã mạnh dạn trồng hàng trăm gốc thanh long ruột trắng và ruột đỏ, xen kẽ với các loại cây ăn quả quen thuộc như hồng xiêm, bưởi, mít. Bên cạnh đó, tôi còn tận dụng đất để trồng rau xanh và nuôi thêm gà quế, vừa phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa có thêm nguồn thu nhỏ”.
Hành trình làm kinh tế của bà Lan không chỉ dựa vào sự cần cù mà còn là quá trình tự học hỏi không ngừng qua sách báo, ti vi. Đặc biệt, bà luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ Hội Phụ nữ xã thông qua các khoản vay vốn ưu đãi và những lớp tập huấn kỹ thuật bổ ích. Nhờ đó, mô hình kinh tế của gia đình bà ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả rõ rệt. Bước ngoặt đến vào năm 2006, khi gia đình bà quyết định đầu tư hơn 90 gốc thanh long trắng và trên 100 gốc thanh long đỏ. Bà nhận thấy, so với cây lúa truyền thống, thanh long không chỉ dễ chăm sóc, ít tốn công hơn mà còn rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.
Với phương châm "Nói không với thuốc trừ cỏ", bà Lan lựa chọn giải pháp thân thiện với môi trường là sử dụng máy cắt cỏ để giữ vệ sinh cho vườn cây. Nguồn phân bón chủ yếu được bà tận dụng từ phân trâu, phân gà ủ khô cùng trấu, một loại "thức ăn" lý tưởng cho cây thanh long, giúp quả ngọt tự nhiên và đạt chất lượng cao. Bà còn khéo léo tận dụng tối đa diện tích đất bằng cách trồng xen canh các vụ vừng, lạc, sắn cùng với cây ổi và rau màu, tạo sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các loại cây trồng. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác khoa học và bền vững, vườn thanh long của bà Lan luôn xanh tốt, ít sâu bệnh.
Sau khoảng một năm chăm sóc, những cây thanh long đầu tiên đã bắt đầu cho lứa quả bói. Dù số lượng chưa nhiều, nhưng quả nào quả nấy đều to, tròn, ngọt lịm và có chất lượng vượt trội. Những năm tiếp theo, cây thanh long phát triển mạnh mẽ, cho ra nhiều cành và trĩu quả, nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị ngọt ngào ban đầu. Từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, vườn thanh long của bà Lan thu hoạch được hơn 5 tấn quả, mang về nguồn thu nhập ổn định và đáng mơ ước cho gia đình.
Bà Lan chia sẻ thêm về dự định trong tương lai: "Tôi mong muốn có thể mở rộng thêm diện tích trồng cây ăn quả và thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như cây cau hay các loại cây thuốc quý như bạch môn. Hơn hết, tôi hy vọng có thể cùng các chị em phụ nữ trong xã phát triển kinh tế, đồng thời tìm kiếm các kênh tiêu thụ ổn định để nông sản của chúng tôi có đầu ra thuận lợi và giá cả tốt hơn”.
Bằng kinh nghiệm thực tế và sự nhạy bén với nhu cầu thị trường, bà Trần Thị Lan đã lựa chọn trồng thanh long đỏ và trắng - hai giống quả được đông đảo khách hàng ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao. Không dừng lại ở đó, bà còn đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách trồng thêm nhiều loại rau quả khác và chăn nuôi hàng trăm con gà, tạo nên một mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả. Nhờ sự kết hợp hài hòa này, mỗi năm gia đình bà thu về hơn 250 triệu đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống và nâng cao thu nhập một cách bền vững.
Bà Nguyễn Thị Sinh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mậu Đông không giấu được sự phấn khởi khi nói về mô hình kinh tế của gia đình bà Lan: "Mô hình của chị Lan thực sự là một điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương. Với sự nỗ lực, cần cù và tinh thần sáng tạo, chị đã xây dựng thành công mô hình trồng thanh long, hồng xiêm và nhiều loại cây ăn quả khác, kết hợp với chăn nuôi gia cầm, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Điều đáng quý hơn cả là chị Lan luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hội viên khác trong xã. Nhờ đó, nhiều chị em đã mạnh dạn học tập, áp dụng và cải thiện đời sống kinh tế của gia đình mình. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã mong muốn nhân rộng mô hình này, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và giúp đỡ chị em phụ nữ ngày càng vững bước trên con đường phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Chúng tôi tin rằng, với sự đồng lòng và hỗ trợ lẫn nhau, phụ nữ Mậu Đông sẽ ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế của mình”.
Hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình bà Trần Thị Lan không chỉ mang lại cuộc sống ấm no, ổn định cho gia đình mà còn trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm đến nhiều hội viên phụ nữ và người dân trong xã. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc tăng thu nhập, giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoài Văn
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/210/347868/ba-tran-thi-lan-kheo-vun-trong-gioi-chan-nuoi.aspx