Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục đề nghị SCB cung cấp số liệu trong vụ án

Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục đề nghị SCB cung cấp số liệu trong vụ án
21 giờ trướcBài gốc
Ngày 3-4, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 (VTP) tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo.
Trong phần phát biểu quan điểm luận tội, đại diện VKS cho biết bị cáo Trương Mỹ Lan đã tích cực, chủ động khắc phục hậu quả của vụ án (với số tiền hiện tại được khoảng 1/4 hậu quả) nên đề nghị xem xét giảm nhẹ ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đề nghị xem xét cho giảm án sâu hơn nữa
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan một lần nữa đề nghị xác nhận lại các số liệu để quy buộc trách nhiệm của mình về tội tham ô, rửa tiền. Bà Lan cũng đề nghị xem xét lại việc cơ quan tố tụng sử dụng cùng một hành vi, công việc cơ cấu lại ngân hàng SCB trong suốt hơn 10 năm nhưng chia thành 2 giai đoạn và dùng số liệu để quy kết cho nhiều tội danh khác nhau.
Bị cáo này cũng cảm ơn vị đại diện VKS đã ghi nhận nỗ lực của bản thân trong việc tích cực phối hợp và chấp nhận đứng ra trả 30.000 tỉ đồng cho các trái chủ, để từ đó đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (cấp sơ thẩm tuyên chung thân) cho bị cáo.
Bà Trương Mỹ Lan được VKS xem xét đề nghị giảm nhẹ hình phạt trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: TRẦN TIẾN
Tuy nhiên, bà Lan mong muốn xem xét, cập nhật lại các số liệu tại phiên tòa này. Đặc biệt với số tiền 287.000 tỉ đồng, bà Lan cho rằng đã được sử dụng cho các giao dịch của ngân hàng SCB, không phải giải ngân cho bị cáo sử dụng nên cần phải cấn trừ số tiền này vào số tiền đang quy buộc trách nhiệm ở tội tham ô và rửa tiền.
"Ở giai đoạn 1 bị cáo có yêu cầu SCB cung cấp tài liệu nhưng hiện nay SCB hoàn toàn không cung cấp gì cả. Trong những tháng qua bị cáo phải tự tập hợp nghiên cứu tất cả các hồ sơ, chi phí bỏ ra và các số liệu, tài sản mang vào SCB để giúp SCB cơ cấu.
Vụ án xảy ra ngoài mong muốn, thời điểm bị bắt, SCB vẫn hoạt động bình thường. Suốt 11 năm qua, bị cáo và gia đình đã mang hết tiền của cống hiến vào SCB. Cuối năm 2022, bị cáo đã huy động bạn bè, mang tài sản của chồng là Chu Lập Cơ và tài sản cá nhân cho SCB mượn để tái cơ cấu hơn 100 ngàn tỉ.
Bị cáo không biết mình có thể sống thêm được bao lâu, chỉ mong muốn được ghi nhận sự cống hiến, hy sinh của bị cáo và xem xét giảm nhẹ hình phạt sâu hơn nữa để tạo động lực, tinh thần giải quyết hậu quả"- bị cáo Lan trình bày.
Tiếp tục kiến nghị, đề nghị SCB xác thực số liệu
Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, LS phân tích một số nội dung và kiến nghị, đề nghị nhiều vấn đề.
Thứ nhất, xem xét toàn diện về nguyên nhân bối cảnh vụ án, bản chất mối liên hệ giữa các tội danh.
Thứ hai, LS đề nghị và kiến nghị VKS tiếp tục yêu cầu SCB cung cấp số liệu (trước đó ít phút HĐXX cũng đã đề nghị SCB xác thực các số liệu).
Thứ ba, luật sư đặt câu hỏi vì sao hoạt động trưng cầu giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự trong vụ án này lại sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân, trong khi các vụ án thông thường phải có Hội đồng định giá.
Thứ tư là đề nghị thu hồi vật chứng với số tiền hơn 15.000 tỉ đồng từ các lô trái phiếu đã phát hành cho các đối tác. Tiếp đến là ghi nhận tính hợp pháp của các giao dịch chuyển tiền từ người ngoài về, không phải tất cả các giao dịch ở tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới đều không đúng quy định.
Dẫn chứng cụ thể, LS phân tích: theo nhận định của bản án sơ thẩm, đối với tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, việc dịch chuyển trái phép tiền tệ từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài là phương thức thủ đoạn phạm tội mới (mặc dù không vận chuyển về mặt cơ học).
Theo LS, nếu theo cách hiểu mới về nội hàm của tội này thì câu hỏi đặt ra là chủ thể nào là chủ thể của hành vi vận chuyển. Cạnh đó, khi xem lại các giao dịch chuyển tiền thì vẫn có những giao dịch hợp pháp, vẫn có những giao dịch cần ghi nhận.
Điển hình là nguồn tiền từ 5 pháp nhân nước ngoài góp 30% vốn điều lệ của ngân hàng SCB, và 3 pháp nhân nước ngoài chuyển tiền để mua phần vốn góp của Công ty Việt Vĩnh Phú. Tổng cộng 8 pháp nhân này đã chuyển 180 triệu USD đều là các giao dịch hợp pháp, bởi lẽ hiện nay sổ cổ đông của ngân hàng SCB và Công ty Việt Vĩnh Phú đã ghi nhận tính hợp pháp của các cổ đông này. Cơ quan Nhà nước kiểm tra, cho phép thì các giao dịch này mới được thực hiện.
Ngoài ra còn có các khoản tiền mà các đối tác nước ngoài gửi về cho Công ty An Đông cũng là các giao dịch hợp pháp.
Ngoài ra, theo LS, giai đoạn 1 của vụ án đã xác định hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra thiệt hại 673.000 tỉ đồng là dư nợ của 1.243 khoản vay. Qua đối chiếu, rà soát đến thời điểm khởi tố vụ án thì có đến 988/1.243 khoản vay chưa đến hạn thanh toán, với tổng số tiền là 357.000 tỉ đồng.
Các khoản vay này có thời hạn đến 2023 hoặc sau đó. Vậy câu hỏi đặt ra là các khoản vay này chưa đến hạn thanh toán thì có quy buộc vào trách nhiệm chung cho bị cáo Lan hay không vì theo quy định của ngành ngân hàng chỉ khi tới hạn thanh toán khách hàng không trả được thì ngân hàng có quyền phát mãi tài sản. Từ đó, LS cũng đề nghị VKS có quan điểm đối đáp, cho ý kiến đối với vấn đề này vì nó liên quan đến số tiền quy buộc trách nhiệm cho thân chủ của mình.
Về số liệu trong vụ án, một lần nữa LS cũng đề nghị ngân hàng SCB cung cấp các tài liệu để xác thực các số liệu trước khi hợp nhất thì nợ cũ của ba ngân hàng là bao nhiêu, trong tổng số dư nợ từ ngày 1-1-2018 đến ngày khởi tố vụ án 7-10-2022 có bao nhiêu khoản vay dùng để đảo nợ, bà Lan rút ra bao nhiêu....và số liệu về các dự án, tài sản đưa vào ngân hàng trước thời điểm khởi tố vụ án khoảng 2-3 tháng.
LS cũng đề nghị việc xem xét lại giá trị của các tài sản vì giá trị thực tế của các tài sản so với giá trị định giá của Công ty Hoàng Quân chênh lệch hàng trăm ngàn tỉ đồng. Chưa kể đến các tài sản có giá trị rất lớn như ở đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại được xác định là 0 đồng.
HỮU ĐĂNG
HUỲNH THƠ
Nguồn PLO : https://plo.vn/ba-truong-my-lan-tiep-tuc-de-nghi-scb-cung-cap-so-lieu-trong-vu-an-post842333.html