Dòng chảy sông Công ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi đất và hoa màu xuống sông (ảnh chụp ngày 28-6).
Đối với người dân phường Bá Xuyên, trận lũ xảy ra vào đêm 20, rạng sáng ngày 21-6 vừa qua là ám ảnh khó quên. Dù mưa tại địa bàn không lớn, nhưng lượng nước khổng lồ từ thượng nguồn đổ về đã khiến nước sông Công dâng cao đột ngột, gây ra trận lũ lớn bất ngờ, không kịp trở tay.
Anh Dương Xuân Phong, một hộ dân ở xóm Chúc, phường Bá Xuyên, kể lại trong xót xa: Đêm đó, nước lũ đến quá nhanh, chỉ trong chốc lát, cả khu vườn, chuồng trại chăn nuôi, nhà của gia đình tôi đều chìm trong biển nước. Toàn bộ tài sản bị ngập nặng, thiệt hại nhất là trang trại gà trên 5.000 con thì có đến 4.000 con bị chết vì ngạt nước.
Cùng cảnh ngộ, anh Đặng Văn Đăng ở xóm La Cảnh bần thần nuối tiếc khu vườn của gia đình tan hoang sau lũ. Vườn dưa lưới rộng khoảng 1.000m², với sản lượng ước tính 4,5 tấn quả, chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là cho thu hoạch, nay hỏng hoàn toàn. Vườn nho của anh cũng bị hư hại, một ao ba ba đang lớn nhanh như thổi cũng mất trắng theo dòng nước lũ, tổng thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng.
Anh Đặng Văn Đăng ở xóm La Cảnh xót xa trước vườn dưa bị hư hỏng sau lũ.
Không chỉ gây thiệt hại về tài sản của người dân, trận lũ vừa qua còn gây ra tình trạng sạt lở bờ sông Công nghiêm trọng. Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 28-6, bờ sông Công (bên phường Bá Xuyên), nơi từng là những bãi bồi canh tác màu mỡ, nay đã biến thành những vực sâu hoắm. Dòng nước liên tục khoét sâu vào bờ, cuốn theo từng mảng đất lớn và cây cối của người dân.
Ông Nguyễn Văn Bình, có nhà gần khu vực ngầm tràn nối từ phường Bá Xuyên sang xã Tân Cương, chỉ tay ra phía bờ sông nói: Chỉ trong vài ngày, khu vực đất ven sông của gia đình tôi đã bị nước lũ cuốn trôi mất gần một sào (khoảng 360m²). Ban đầu chỉ là những vết nứt nhỏ, nhưng nước lũ cứ khoét sâu vào tạo thành những hàm ếch lớn. Rồi từng tảng đất cứ thế sụp xuống, trôi tuột đi trong dòng nước đục ngầu.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trận lũ ngày 20, rạng sáng ngày 21-6 khiến phường Bá Xuyên bị sạt lở khoảng 1.000m2 đất canh tác. Một người dân bày tỏ tâm tư: Ở địa phương lâu năm, nhưng tôi ít thấy cảnh nước lũ "ăn" sâu vào đất liền một cách đáng lo ngại như vậy. Cứ đà này, chẳng mấy chốc toàn bộ bãi bờ ven sông và cây cối chúng tôi trồng sẽ bị cuốn sạch.
Cùng với thiệt hại về tài sản của người dân, trong trận mưa lũ vừa qua, ngầm tràn Trại ngựa nối phường Bá Xuyên và xã Tân Cương cũng bị nước lũ cuốn trôi một phần mặt cầu, gây hư hỏng nghiêm trọng. Công trình này đến nay vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa, gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, giao thương của người dân. Đáng lo ngại hơn, mỗi khi nước lớn, nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm ra khu vực cầu tràn này để câu cá, vớt củi.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, tự bảo vệ tính mạng của mình. Ngành chức năng cũng sớm đưa ra giải pháp, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả sau lũ, như: Đầu tư kinh phí để gia cố, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng; có giải pháp chống sạt lở để bảo vệ diện tích đất canh tác ven sông Công; sửa chữa ngầm tràn để người dân đi lại thuận lợi…
Sơn Lâm