Bắc bộ chuyển rét đậm, ĐBSCL có diễn biến xâm nhập mặn phức tạp

Bắc bộ chuyển rét đậm, ĐBSCL có diễn biến xâm nhập mặn phức tạp
3 giờ trướcBài gốc
Trong ảnh là người nông dân đang đối mặt với sự xâm nhập mặn len lỏi vào ruộng. Ảnh: H.P
Baochinhphu.vn đưa tin, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, ở phía Bắc đang có một bộ phận không khí lạnh mạnh di chuyển xuống phía Nam. Trong 24-48 giờ tới, tức từ sáng 7-2, trên đất liền, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực tây Bắc bộ, bắc Trung bộ, trung Trung bộ và một số nơi ở nam Trung bộ.
Ở Bắc bộ, từ chiều 7-2, trời chuyển rét đậm, rét hại. Từ đêm 7-2, khu vực bắc Trung bộ trời chuyển rét đậm, khu vực từ Quảng Bình đến Huế, trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc bộ phổ biến từ 9-12 độ C, vùng núi 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 2 độ C. Ở khu vực bắc Trung Bộ, nhiệt độ phổ biến 11-14 độ C, các tỉnh từ Quảng Bình đến Huế phổ biến 14-16 độ C.
Ở Hà Nội, từ đêm 7-2 trời chuyển rét đậm, có nơi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 10-12 độ C.
Trên biển, từ chiều ngày 7-2, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 3-5m.
Trung tâm lưu ý, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10-2. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao, từ đêm 6-2 đến sáng 8-2, khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa rải rác. Từ ngày 7 đến 9-2, từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, cục bộ có nơi mưa to và dông. Vùng núi cao Bắc bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Một thông tin khác, ở phía Nam, Cục Thủy lợi, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 2-2025, xâm nhập mặn ở ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 45-65km trong các kỳ triều cường, TTXVN đưa tin.
Xâm nhập mặn có xu thế biến động khó lường, các địa phương cần đề phòng các tình huống gia tăng đột xuất trong các đợt triều cường.
Tháng Hai, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 45-60km, so với năm 2024 cao hơn từ 1-3km, so với năm 2020 thấp hơn từ 6-13km; so với năm 2016 thấp hơn từ 3-5km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 45-50km trong các kỳ triều cường.
Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/lít lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 65-70km, so với năm 2024 thấp hơn từ 3-5km, so với năm 2020 thấp hơn từ 20-27km, so với năm 2016 thấp hơn từ 19-25km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 60-65km trong các kỳ triều cường.
Trên sông Cái Lớn, hiện cống Cái Lớn-Cái Bé đưa vào vận hành, nên xâm nhập mặn được kiểm soát.
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo, mặn xâm nhập mùa kiệt 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 2-4 là thời kỳ mặn cao, vì vậy các địa phương ven biển cần chủ động các giải pháp phòng chống hạn mặn phù hợp.
Thùy Linh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/bac-bo-chuyen-ret-dam-dbscl-co-dien-bien-xam-nhap-man-phuc-tap/