Trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Thông điệp của người đứng đầu Đảng ta như lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để thực hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, đặc biệt là tổ chức phản động Việt Tân, hay các cá nhân chống đối như Lê Trung Khoa, Nguyễn Văn Đài… đã liên tục đăng nhiều bài viết kèm theo hình ảnh để công kích, xuyên tạc, bôi nhọ quan điểm, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trước thực tế đó, chúng ta cần phải nhận diện, đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Các đại biểu dự Hội nghị quán triệt, triển khai định hướng lớn về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức, tháng 12-2024. Ảnh: Quang Thái
Các thế lực thù địch, tổ chức phản động cho rằng, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chỉ là khẩu hiệu, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn; hay Việt Nam muốn “vươn mình trong kỷ nguyên mới” thì cần phải thực hiện dân chủ đa nguyên, đa đảng đối lập... Mục đích của các thế lực thù địch là xuyên tạc chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng cũng như quan điểm sâu sắc, toàn diện, có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của người đứng đầu Đảng ta, và sâu xa hơn nữa là mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Trước thực tế đó, chúng ta cần phải nhận diện, đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; đồng thời, khẳng định thông điệp, quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mang tầm chiến lược, phù hợp với khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, tại buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ 3), Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.
Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam nằm trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực.
Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Một “mô hình chính trị hiện tại” - một Đảng Cộng sản lãnh đạo - không hề làm “cản trở sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế” của Việt Nam. Mà trái lại, việc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; kiên định thể chế chính trị nhất nguyên chứ không thực hiện dân chủ đa nguyên; kiên định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng… đã mang đến cho Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình và phát triển ổn định. Đó chính là sự thật, chứ không phải mô hình một Đảng Cộng sản lãnh đạo và việc lựa chọn xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “giới hạn tiềm năng phát triển quốc gia và làm suy yếu vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” như các thế lực chống phá vẫn thường rêu rao bịa đặt; hay Việt Nam muốn “vươn mình trong kỷ nguyên mới” thì cần phải thực hiện dân chủ đa nguyên, đa đảng đối lập như các thế lực thù địch tuyên truyền.
Với tầm nhìn chiến lược, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh: Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Từ đây, mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh kết quả đạt được, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Sự phát triển đất nước theo chiều rộng đã tới giới hạn, cần phải chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu; 4 nguy cơ được Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cơ hội chính trị, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ…
Đại hội XIV của Đảng có tầm vóc to lớn, sẽ diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử, một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của dân tộc ta: Đất nước ta sau 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; trải qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030)...
Từ thực tế đó, phải khẳng định rằng, khát vọng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với thời điểm là Đại hội XIV của Đảng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố chủ quan và khách quan, điều kiện cần và đủ. Mục tiêu của kỷ nguyên mới chính là hiện thực hóa khát vọng đã được đặt ra từ Đại hội XIII, nhưng thể hiện quyết tâm cháy bỏng hơn, quyết liệt hơn vì thời gian đến khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước không còn dài. Việc xác định chặng đường sắp tới là “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” chính là sự phản ánh tập trung, sinh động yêu cầu có tính bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tựu trung, thông điệp, quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mang tầm chiến lược, dựa trên cơ sở khách quan, khoa học, được tính toán thận trọng và kỹ lưỡng, phù hợp với đặc điểm và khát vọng của dân tộc Việt Nam. Một dân tộc đã từng làm nên sự kiện “long trời, lở đất” trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làm nên một chiến công vĩ đại với mùa Xuân đại thắng năm 1975, làm nên nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, chúng ta hoàn toàn có thể vững bước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Do đó, mọi luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch là không có giá trị, bởi thực tiễn đã, đang và sẽ là câu trả lời đanh thép nhất, là minh chứng về tầm nhìn chiến lược đúng đắn và khát vọng cháy bỏng toàn thể dân tộc Việt Nam đang hướng tới.
Bình Duyên (Theo hanoimoi)