Đã bước vào vụ hoa cuối năm nhưng anh Đỗ Văn Hải (SN 1976) ở tổ dân phố Đại Phú 2, thị trấn Vôi (Lạng Giang) lại như ngồi trên đống lửa.
Anh Đỗ Văn Hải bên những sọt củ giống hoa dơn nghi ngờ không phải hàng nhập khẩu.
Anh Hải đang trong tình thế “bỏ thì thương, vương thì tội”, mắc kẹt hàng tỷ đồng vì lô giống hoa dơn nhận về không đúng yêu cầu, cam kết ban đầu. Nếu mang đi trồng thì sợ hoa chất lượng không cao, giá bán thấp và quan trọng nhất là nguy cơ mất bằng chứng về vụ việc có dấu hiệu lừa đảo. Ngược lại, nếu không trồng thì không thể bảo quản được, chẳng lẽ đem đổ bỏ, mất trắng cả tỷ đồng.
Anh Hải bức xúc phản ánh: Từ vụ hoa năm 2023, có một phụ nữ tự giới thiệu quê ở TP Hải Phòng nhưng hiện đang sinh sống ở tỉnh Lào Cai đến đặt vấn đề thu mua hoa dơn. Sau quá trình giao dịch, làm ăn, khi thấy các hộ trồng hoa dơn ở Bắc Giang gặp khó khăn mua củ hoa giống nhập ngoại, chủ yếu từ một số nước châu Âu, chị này cho biết có nhiều mối quan hệ, có thể cung cấp giống hoa dơn nhập ngoại theo yêu cầu của nhà vườn với số lượng lớn, chất lượng cao, giá bán phải chăng.
Sau vài lần trao đổi qua điện thoại, anh Hải cùng một số người nữa ở huyện Lạng Giang, Yên Dũng cùng đi xuống nhà một người cũng làm nghề trồng hoa dơn ở xã Song Mai (TP Bắc Giang) để trực tiếp ký hợp đồng mua củ hoa giống với người phụ nữ này.
Hợp đồng giữa anh Đỗ Văn Hải và chị Phạm Thị Thu Thủy.
Tại đây, người phụ nữ tiến hành lập hợp đồng và nhận là bên A (bên bán) mang tên Phạm Thị Thu Thủy (SN 1990) ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh (TP Hải Phòng) bán cho anh Hải các loại củ giống: Red Balance kích cỡ 8/10, đơn giá tạm tính đến thời điểm lập hợp đồng là 1.700 đồng/củ, số lượng 430 nghìn củ; giống Red Banlance kích cỡ 10/12, đơn giá 2.700 đồng/củ, số lượng 100 nghìn củ. Tổng giá trị hợp đồng hơn 1 tỷ đồng.
Bên A cam kết con giống bảo đảm chất lượng, 1 đổi 1 nếu xảy ra thối hỏng; hàng được đóng trong sọt nhựa đen dán tem mác, size củ. Bên B thanh toán làm 2 đợt cho bên A trước khi nhận hàng.
Sau hợp đồng đầu tiên, anh Hải và các ông: Đồng Văn Giá (SN 1971), tổ dân phố Hạ, thị trấn Kép; Nguyễn Xuân Trường (SN 1985), tổ dân phố Dinh, thị trấn Kép; Dương Văn Tấn (SN 1964), thôn Quang Hiển, xã Quang Thịnh; Nguyễn Xuân Nhương (SN 1982), thôn Núi Thượng, xã Quang Thịnh (cùng huyện Lạng Giang) và ông Phí Văn Long (SN 1960) ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu (Yên Dũng) tiếp tục đặt mua củ giống hoa của chị Thủy trong nhiều đợt khác. Theo các hợp đồng, 6 người phải chuyển trước 30% giá trị hợp đồng để đặt cọc, tương đương hơn 4,1 tỷ đồng.
Giấy viết tay thể hiện chị Phạm Thị Thu Thủy sẽ hoàn trả tiền cho anh Đỗ Văn Hải.
Anh Hải và những người trong nhóm đinh ninh đây là giống hoa nhập ngoại vì nếu là mua giống hoa trong nước họ đâu cần phải nhờ qua người khác. Hơn nữa, giá giống nội chỉ khoảng 1.000 đồng/củ, không khi nào anh bỏ ra 1.700 – 2.700 đồng/củ để mua như vậy.
Thực tế, nhóm của anh Hải đã chuyển trả cho chị Thủy hơn 4,1 tỷ đồng nhưng sau khi nhận hàng, bên mua mới ngã ngửa vì hàng không đúng yêu cầu. Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng hoa, anh Hải và những người khác lập tức nhận ra ngay lô hàng có nhiều vấn đề nghi vấn, từ hình thức bên ngoài, sọt nhựa đến tem nhãn không đúng với những lô hàng củ giống nhập ngoại khác. Tem nhãn lô hàng chị Thủy cung cấp rất đơn giản không có đầy đủ thông tin thể hiện nhập khẩu như các lô hàng anh Hải đã từng mua trước đó.
Nhóm của anh Hải đã gay gắt phản ứng, đề nghị chị Thủy hoàn trả số tiền đã mua. Sau nhiều lần thỏa thuận, đến ngày 18/10/2024, chị Phạm Thị Thu Thủy đã phải viết xác nhận sẽ trả lại cho nhóm của anh Hải với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng, được chia làm hai lần: Lần 1 vào ngày 18/11/2024 hoàn trả 2 tỷ đồng; lần 2 ngày 18/12/2024 trả 2,107 tỷ đồng.
Đến nay anh Hải và 5 người kia vẫn chờ đến hạn chị Thủy trả tiền trong khi vụ trồng hoa dần trôi qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời vụ.
Qua trao đổi với cán bộ có thẩm quyền của cơ quan công an được biết nội dung này đang được tiếp tục xác minh. Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã hướng dẫn anh Hải khởi kiện ra TAND tỉnh để giải quyết vụ việc.
Từ vụ việc này, cơ quan chức năng khuyến cáo nhân dân thận trọng trong các giao dịch kinh tế. Khi thương thảo, ký kết hợp đồng cần đọc kỹ, yêu cầu ghi rõ nội dung, có thể tham khảo thêm ý kiến của các luật sư, cơ quan chức năng; tránh việc thỏa thuận không rõ, mập mờ, tạo kẽ hở cho đối tượng khác lừa đảo, gây thiệt hại cho chính bản thân và người khác.
Bài, ảnh: Quốc Phương