Ngày 3/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H (59 tuổi), trú tại xã Đức Giang (thành phố Bắc Giang) trong tình trạng tiếp xúc chậm, khó thở, thở nhanh, nhìn mờ, tụt huyết áp.
Sau 6 ngày điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Nguyễn Văn H đã ổn định.
Trước đó bệnh nhân ở nhà và có uống rượu không rõ nguồn gốc. Sau khi uống vài giờ, ông H bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường như: Tức ngực, run tay chân, khó thở nên được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang khám và được chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu.
Nhận định bệnh nhân bị ngộ độc rượu, các bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chỉ định dùng thuốc vận mạch, bù dịch và thực hiện xét nghiệm khí máu. Kết quả cho thấy, tình trạng toan chuyển hóa nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.
Từ kết quả xét nghiệm và thăm khám cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol dẫn đến toan chuyển hóa nặng, suy thận cấp trên nền bệnh lý mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, nghiện rượu). Bệnh nhân được chuyển ngay lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để điều trị tích cực.
Tại đây, bệnh nhân được sử dụng thuốc vận mạch, bù dịch tích cực, điều trị nội khoa kết hợp với kỹ thuật lọc máu liên tục nhằm loại bỏ methanol và các chất chuyển hóa độc hại ra khỏi cơ thể. Sau 24 giờ lọc máu liên tục, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tự thở, không còn nhìn mờ, các chỉ số toan kiềm và sinh hóa trở về gần mức bình thường. Sau 6 ngày điều trị tích cực, hiện tại, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, các dấu hiệu sinh tồn, chỉ số chuyển hóa bình thường, dự kiến xuất viện trong 1-2 ngày tới.
Theo bác sĩ Thái Văn Tiệp, khi sử dụng rượu methanol, thành phần methanol có trong rượu sẽ được hấp thụ tại phổi, ruột và da. Sau 30- 60 phút, nồng độ methanol có thể đạt đỉnh trong huyết tương và được chuyển hóa chậm tại gan. Rượu được đưa vào cơ thể, methanol chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó tiếp tục bị oxy hóa thành acid formic - thành phần chính có trong nọc kiến. Đây là thủ phạm chính gây ra tình trạng ngộ độc rượu methanol đối với người uống sau khi tích tụ tại huyết thanh và làm rối loạn quá trình chuyển hóa.
Ngộ độc rượu methanol có thể gây ra các ảnh hưởng trực tiếp như: Tổn thương võng mạc, các tổn thương cho thần kinh thị giác và ảnh hưởng tới não bộ. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bị ngộ độc.
“Để tránh bị ngộ độc, người dân tuyệt đối không nên sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được thành phần, đặc biệt là rượu pha chế thủ công hoặc tự nấu. Khi có dấu hiệu bất thường, nghi ngộ độc rượu methanol, người nhà cần cố gắng cho người bệnh nôn, uống trà đặc ấm hoặc sữa nóng để giúp bệnh nhân tỉnh táo, nới lỏng quần áo cho người bị ngộ độc.
Để người bệnh nằm tại nơi thoáng mát, tránh bị gió lùa trực tiếp vào và nằm úp xuống giường, mặt hơi nghiêng về bên trái, 2 tay duỗi ra sau. Đồng thời nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất, có đủ năng lực xử trí ngộ độc để cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Thái Văn Tiệp khuyến cáo.
Sỹ Quyết