Bắc Giang dẫn đầu về tốc độ tăng IIP 10 tháng

Bắc Giang dẫn đầu về tốc độ tăng IIP 10 tháng
2 giờ trướcBài gốc
Cũng theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 của hầu hết các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp công nghiệp của các địa phương này đã có sự thích nghi và tăng trưởng tích cực. Nhiều doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Sản xuất công nghiệp tại một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn trong tháng 10 năm nay tiếp tục tăng trưởng tích cực. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, so với tháng trước, IIP của Quảng Ninh tăng 25,2%; Hải Phòng tăng 19,8%; Bắc Giang tăng 7,0%; Vĩnh Phúc tăng 5,8%; Bình Dương tăng 4,9%. So với cùng kỳ năm trước, IIP của Quảng Nam tăng 34,1%; Bắc Giang tăng 21,9%; Hải Dương tăng 14,3%; Đà Nẵng tăng 14,0%; Bình Dương tăng 13,6%; Hải Phòng tăng 12,1%.
Trong số các địa phương có quy mô công nghiệp lớn, có Bắc Ninh là địa phương có IIP tháng 10/2024 giảm mạnh so với tháng trước (giảm 6,8%) và so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,1%). Sản xuất công nghiệp Bắc Ninh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức mua yếu, cộng thêm chi phí đầu vào tăng cao do tình hình chiến tranh vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu khó khăn. Sự sụt giảm quy mô ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải nỗ lực, cố gắng sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động, mong chờ sự khởi sắc hơn trong tháng cuối năm khi kinh tế thế giới dần hồi phục.
Tỉnh Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng IIP 10 tháng cao nhất với tốc độ tăng đạt 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 10 năm nay cơ bản tăng trưởng tốt và có bước phát triển tháng sau cao hơn so với tháng trước.
Sau cơn bão số 3, cùng với những biện pháp hỗ trợ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã chủ động khắc phục thiệt hại do bão, tăng cường sản xuất để bù lại thời gian ngừng hoạt động, bù lại lượng thành phẩm đã bị hỏng do bão và đảm bảo kịp tiến độ đơn hàng. Nhờ đó sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 10/2024 có sự phục hồi tích cực với sự phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, và các ngành công nghiệp chế biến khác. Tính chung, tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 của thành phố Hải Phòng đạt 14,5%.
Hải Dương có tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 đạt 13,5%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn (%)
Doanh nghiệp công nghiệp tại Vĩnh Phúc bước vào giai đoạn cao điểm sản xuất để hoàn thành đơn hàng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Các doanh nghiệp tích cực tuyển dụng lao động, cải tiến dây chuyền và chuẩn bị nguyên vật liệu, đảm bảo sản xuất đáp ứng tiến độ giao hàng và hoàn thành kế hoạch năm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 và 10 tháng năm 2024 ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 của Vĩnh Phúc đạt 11,2%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành công nghiệp khai khoáng giảm 19,7% và ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 8,4%.
Quảng Nam cũng là địa phương có tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 đạt khá so với các địa phương trên cả nước nói chung và so với các địa phương có quy mô công nghiệp lớn nói riêng (tăng 17,5%). Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,9%.
Các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao do xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, nhu cầu thị trường cắt giảm do các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU đều suy giảm mạnh. Chỉ số IIP 10 tháng năm 2024 của Quảng Ngãi giảm 1,6%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,6%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 8,6%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,6%.
Chỉ số IIP 10 tháng năm 2024 của tỉnh Long An tăng 27,2%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,3%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,2% và ngành khai khoáng tăng 3,6%.
D.Q
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/bac-giang-dan-dau-ve-toc-do-tang-iip-10-thang-720734.html