Nhiều dự án còn vướng mắc
Theo Công ty Điện lực Bắc Giang, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng sử dụng điện của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, từ 12,5% đến hơn 18%/năm, tương ứng tăng bình quân khoảng 700 triệu kWh điện thương phẩm/năm. Tốc độ tăng trưởng điện cao tập trung tại các khu công nghiệp của tỉnh. Hệ thống lưới điện 220 kV, 110 kV của tỉnh đang vận hành trong tình trạng đầy tải; hệ thống lưới điện trung áp, hạ áp tại một số khu vực như thị xã Việt Yên, thành phố Bắc Giang,… đã quá tải cục bộ, chất lượng điện áp không bảo đảm vào giờ cao điểm, đặc biệt vào thời điểm nắng nóng kéo dài.
Lưới điện cao áp phục vụ sản xuất tại Khu công nghiệp Yên Lư (thành phố Bắc Giang) và các vùng lân cận.
Để đáp ứng tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hiện Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh đang triển khai 26 dự án lưới điện cao áp tại Bắc Giang; tổng mức đầu tư 6,75 nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh đang triển khai 26 dự án lưới điện cao áp tại Bắc Giang, tổng mức đầu tư 6,75 nghìn tỷ đồng. Trong 26 dự án, có 7 dự án chưa hoàn thành, gồm 4 dự án chậm tiến độ giải phóng mặt bằng và 3 dự án chậm tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong 26 dự án lưới điện có 7 dự án chưa hoàn thành, gồm có 4 dự án chậm tiến độ giải phóng mặt bằng (dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV Sơn Động, dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV Bắc Lũng, dự án trạm biến áp 110 kV Song Khê 2 và nhánh rẽ, dự án cải tạo đường dây 110 kV Bắc Giang - Lạng Sơn) và 3 dự án chậm tiến độ liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư (dự án xuất tuyến 110 kV sau trạm biến áp 220 kV Lạng Giang, dự án cải tạo đường dây 110 kV từ trạm biến áp 220 kV Bắc Giang - Phả Lại, dự án xuất tuyến trạm biến áp 220 kV Yên Dũng đấu nối vào đường dây 110 kV mạch kép Vân Trung - Song Khê).
Nguyên nhân các dự án chậm tiến độ giải phóng mặt bằng là do nhiều hộ dân bị thu hồi đất đòi hỏi giá bồi thường vô lý. Đơn cử như vướng mắc tại dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV Sơn Động. Theo UBND thị xã Chũ, đến hết tháng 3/2025, mặt bằng hành lang các khoảng cột 3-4, 12-13, 14-15 qua địa bàn phường Hồng Giang còn 9 hộ dân chưa đồng thuận nhận tiền đền bù.
Các hộ này đòi bồi thường đất trồng cây lâu năm bằng giá đất ở, đất trồng lúa bằng giá đất trồng cây lâu năm; có trường hợp chủ đất đang chấp hành hình phạt tù,… Đối với các dự án chậm tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư là do UBND huyện Yên Thế đang hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ thị trấn Bố Hạ; chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ chấp thuận đầu tư trình Sở Tài chính.
Ngoài các dự án nêu trên, còn một số dự án đang thi công cũng có nguy cơ chậm tiến độ. Ví dụ như dự án cải tạo đường dây 220 kV Nhiệt điện Phả Lại - Bắc Giang (quy mô cải tạo 27 km đường dây 220 kV 1 mạch thành 2 mạch, tổng mức đầu tư khoảng 308,8 tỷ đồng). Hiện các vị trí móng cột trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành nhưng còn vướng mắc 1 vị trí cột tại địa bàn tỉnh Hải Dương, do đó chưa thể cắt điện để dựng cột và kéo dây điện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh thông tin, việc chậm tiến độ xây dựng, cải tạo các dự án lưới điện cao áp khiến nguy cơ thiếu điện, nhất là nguồn điện phục vụ sản xuất công nghiệp của tỉnh ngày càng hiện hữu. Đã có doanh nghiệp không thể đầu tư vào tỉnh vì thiếu nguồn cung ứng điện.
Không để lỡ cơ hội thu hút đầu tư
Nắm được thực tế nêu trên, trong chuyến thăm, làm việc với tỉnh Bắc Giang ngày 27/3 vừa qua, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Bắc Giang và tỉnh phối hợp chặt chẽ, cùng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện. Mục tiêu là tất cả các dự án điện cao áp đầu tư tại Bắc Giang phải được khởi công trong năm nay, bảo đảm việc cung ứng điện cho tỉnh và một số địa phương lân cận. Đặc biệt, quyết tâm không để vì thiếu điện mà lỡ cơ hội thu hút đầu tư.
Lắp đặt thiết bị trạm biến áp thuộc dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV Bắc Lũng.
Để các dự án lưới điện cao áp sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, vừa qua, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan để giải quyết các vướng mắc, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ như: Rà soát, kiểm đếm, bồi thường, giải phóng mặt bằng hành lang lưới điện, vị trí thực hiện các hạng mục dự án; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thị trấn Bố Hạ; thẩm định hồ sơ dự án để chấp thuận chủ trương đầu tư.
Những ngày qua, lãnh đạo các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và thị xã Chũ đã gặp gỡ các hộ dân bị thu hồi đất nhưng chưa đồng thuận để tuyên truyền, vận động, giải thích về chính sách bồi thường, tầm quan trọng của các dự án điện... Đến nay, đa số các hộ cơ bản đồng tình với phương án đền bù. Dự kiến, các địa phương sẽ ban hành phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích còn vướng mắc và hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong tháng 4.
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, hiện tỉnh đang trình Bộ Tài chính hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, trình Bộ Công Thương báo cáo nghiên cứu khả thi với 4 dự án lưới điện khác. Các sở liên quan đang tích cực phối hợp rà soát, đối chiếu, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư; hướng dẫn chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi… những dự án còn lại, bảo đảm tiến độ thực hiện theo Kế hoạch số 183 ngày 28/11/2024 của UBND tỉnh về triển khai công tác đầu tư các dự án điện trên địa bàn.
Bắc Giang đang bứt phá để đứng vào tốp đầu các tỉnh thu hút đầu tư lớn của cả nước. Phát triển công nghiệp được tỉnh xác định là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Việc đáp ứng nguồn điện là rất cần thiết để tạo lợi thế thu hút đầu tư, tạo đà vững chắc cho mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững. Do đó, các cấp, ngành tỉnh, đặc biệt là các hộ dân bị thu hồi đất cần nâng cao nhận thức, chung tay cùng chính quyền để các dự án lưới điện cao áp sớm hoàn thành, đưa vào khai thác.
Bài, ảnh: Đại La