Mô hình triển khai trên diện tích hơn 2.000 m2 gồm 3 bể (1 bể nuôi, 2 bể lọc nước) và khu vực chứa chất thải. Bể nuôi sâu hơn 2 m, rộng gần 350 m2, quy mô thả 20 con/m2. Bể được lót bằng tấm bạt nilon tối màu giúp bảo đảm nồng độ ô xy và PH ổn định, thuận tiện trong khâu vệ sinh, giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt. Nước trước khi đưa vào bể nuôi được chủ hộ xử lý qua bể lọc từ 1,5-2 tháng nhằm khử sạch vi khuẩn gây hại. Chất thải trong bể nuôi được bơm ra ngoài qua hệ thống lọc, nhờ vậy giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại bể nuôi. Chi phí đầu tư mô hình hơn 1 tỷ đồng.
Mô hình nuôi cá của gia đình ông Nguyễn Văn Hà.
Theo ông Hà, nuôi cá trong bể cần kiểm soát tốt lượng ô xy hòa tan bằng cách sử dụng máy sục khí, quạt nước thường xuyên. Mô hình triển khai từ đầu năm 2024 với khoảng 10 nghìn con cá trắm, rô phi. Áp dụng phương pháp nuôi cá thâm canh mới này, gia đình ông Hà tiết kiệm được nhân công chăm sóc; cá ít mắc bệnh, phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cá được thu hoạch sau 7 - 8 tháng nuôi. Tháng 7 vừa qua, gia đình ông Hà thu hoạch lứa cá đầu tiên, trừ chi phí thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Hiện ông Hà đã thả lứa cá thứ hai.
Quạt nước bổ sung ô xy cho cá.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, mô hình nuôi cá của hộ ông Hà là cách làm sáng tạo, hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường.
Được biết để kịp thời động viên mô hình, mới đây UBND huyện Hiệp Hòa đã hỗ trợ 70 triệu đồng cho hộ ông Hà chi phí mua thức ăn chăn nuôi cá. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT tiếp tục quan tâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ một số bệnh thường gặp cho chủ hộ, cùng đó tuyên truyền nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hải Vân