Bắc Giang phát triển bền vững nghề sinh vật cảnh

Bắc Giang phát triển bền vững nghề sinh vật cảnh
9 giờ trướcBài gốc
Không ngừng sáng tạo
Thôn Bồng 1, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) là làng nghề SVC nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh với gần 90 hộ sản xuất, kinh doanh cây cảnh (chiếm gần 70% tổng số hộ). Mỗi gia đình có hàng trăm tác phẩm cây cảnh với tính thẩm mỹ cao như sanh, si, duối, sếu, sảng, hồng xiêm… Ông Quản Văn Long, Chủ tịch Hội SVC xã Thanh Hải cũng là nghệ nhân SVC cho biết: “Nghề SVC giống như môn nghệ thuật đa chiều, người chăm sóc phải có vốn kiến thức nhất định, cần trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, không ngừng sáng tạo, chịu khó, cần cù. Đặc biệt những năm gần đây, người dân địa phương quan tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp mới vào sản xuất như kỹ thuật nhân giống bằng giâm, chiết cành, ghép nối các đoạn cành hoặc thân, rễ giúp tạo thế cây theo ý muốn”.
Thành viên Hội SVC tỉnh chia sẻ kinh nghiệm trồng bon sai.
Tiêu biểu là hộ gia đình ông Phạm Văn Hà đã làm chủ kỹ thuật nhân giống cây túc bằng phương pháp chiết cành, mỗi năm cung cấp 2-4 vạn cây giống cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2023 đến nay, nhiều hộ mua sắm máy nâng, máy cẩu phục vụ vận chuyển; sử dụng máy đục làm công cụ tạo hình độc đáo, đẹp mắt ở những vị trí khó thực hiện bằng tay, bởi thế tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài cung cấp cây cảnh, các hộ dân tại thôn Bồng 1 còn nhận thi công công trình trang trí, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho người trồng bon sai ở nhiều địa phương.
Làng nghề này trở thành điểm đến tham quan, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh cho nhiều cá nhân, tổ chức. Phong trào trồng SVC ở huyện Lục Ngạn còn phát triển mạnh mẽ tại các xã khác như: Quý Sơn, Tân Quang, Phì Điền, Hồng Giang... Theo ông Long, nghề trồng SVC trên địa bàn xã cho thu nhập cao, hộ trung bình thu lợi mỗi năm vài trăm triệu đồng, có hộ thu từ 1-2 tỷ đồng. Các nghệ nhân SVC đi tạo dáng cây thuê cũng có thu nhập 600-700 nghìn đồng/ngày.
Ở huyện Lạng Giang, nhiều năm nay, nghề SVC đã trở thành “điểm sáng” trong phát triển kinh tế tại địa phương. Theo Hội SVC huyện Lạng Giang, đến nay toàn huyện có hơn 20 nghìn cây cảnh nghệ thuật, cây bon sai; gần 1 nghìn vườn hoa phong lan; hơn 1,2 nghìn tác phẩm non bộ, bể non bộ. Trong đó, nhiều cây nghệ thuật có đường nét độc đáo, giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Ông Nguyễn Thế Cường, xã Xương Lâm (Lạng Giang) có kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề SVC chia sẻ: “Gần đây, các nghệ nhân áp dụng kỹ thuật nghệ thuật cắt chuyền để sáng tạo, thiết kế những dáng cây mang vẻ đẹp phóng khoáng, tự nhiên và truyền tải thông điệp ý nghĩa, khi bán lợi nhuận càng cao hơn”.
Tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật
Bên cạnh cây cảnh, động vật cảnh, Hội SVC từ tỉnh đến cơ sở còn phối hợp hướng dẫn hội viên nhân rộng vùng trồng hoa theo hướng tập trung; triển khai chương trình “Làng lúa, làng hoa”... Toàn tỉnh hiện có nhiều vùng trồng hoa chất lượng tại các xã: Thái Đào, Hương Sơn (Lạng Giang); Dĩnh Trì (TP Bắc Giang); Nghĩa Trung (thị xã Việt Yên)…
Hội SVC tỉnh hiện có khoảng 5 nghìn hội viên. Nghề trồng SVC giúp nhiều hộ hội viên có thu nhập cao, hộ trung bình thu lợi mỗi năm vài trăm triệu đồng, có hộ thu từ 1-2 tỷ đồng. Các nghệ nhân SVC đi tạo dáng cây thuê cũng có thu nhập 600-700 nghìn đồng/ngày.
Cuối năm 2024, Hội SVC tỉnh lựa chọn vùng trồng hoa lay ơn ở thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Trung (thị xã Việt Yên) để xây dựng mô hình điểm với quy mô 20 ha (toàn thôn có gần 50 ha lay ơn, nhiều nhất xã). Bà Hoàng Thị Vượng, Giám đốc Hợp tác xã Hoa thôn Trung Nghĩa nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện mô hình điểm vào vụ đông năm nay. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng lay ơn hồng phấn vì kỹ thuật đơn giản hơn trồng lay ơn đỏ. Nay nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, các hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lay ơn đỏ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nghề trồng hoa đã giúp nhiều hộ dân của thôn nâng cao thu nhập, bình quân lãi từ 15-20 triệu đồng/sào”.
Hiện nghề SVC “phủ sóng” ở toàn tỉnh. Ngoài là thú vui tao nhã, cho thu nhập cao, nghề này còn giúp giải quyết việc làm tại chỗ khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, các hộ sản xuất hoa, cây cảnh còn quan tâm liên kết, hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác để được hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn ưu đãi, trao đổi kinh nghiệm, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Được biết, Hội SVC tỉnh có khoảng 5 nghìn hội viên; trong đó có 18 nghệ nhân SVC cấp T.Ư, hơn 200 nghệ nhân SVC cấp tỉnh, gần 1 nghìn hội viên sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm chuyên nghiệp. Trong số này, nhiều hội viên có thu nhập cao, ổn định từ SVC.
Ông Lê Hữu Khánh, Chủ tịch Hội SVC tỉnh thông tin, để phát triển bền vững nghề SVC, thời gian qua, các cấp hội quan tâm phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình điểm, tổ chức triển lãm, quảng bá, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên ngành SVC vẫn gặp nhiều khó khăn về phát triển sản phẩm do chưa có nhiều chính sách hỗ trợ. “Chúng tôi mong muốn những năm tới, ngành SVC được Nhà nước quan tâm, có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất để nghề này ngày càng phát triển hiệu quả”, ông Khánh bày tỏ.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/bac-giang-phat-trien-ben-vung-nghe-sinh-vat-canh-102629.bbg