Bác Hồ một tình yêu bao la

Bác Hồ một tình yêu bao la
11 giờ trướcBài gốc
Ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến là một trong những tác phẩm âm nhạc sâu sắc, lắng đọng nhất viết về Bác Hồ.
Từng câu hát như gói trọn trái tim của một dân tộc, vừa kính yêu, vừa biết ơn, vừa chiêm nghiệm.
Dưới ánh sáng phật pháp, bài hát không chỉ là lời ngợi ca một vĩ nhân, mà còn là thông điệp thiêng liêng về đạo đức, từ tâm và sự xả thân phụng sự tổ quốc và đồng bào.
(Ảnh: Internet)
Từng câu hát chứa đựng tình cảm sâu đậm mà nhạc sĩ Thuận Yến gửi gắm, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, thấm nhuần triết lý Phật giáo.
Ngay trong hai câu đầu:
“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất
Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”
Tình yêu thương bao la nơi Bác là tình yêu vị tha, không vướng bận ngã chấp. Đó chính là tình “từ bi vô lượng” trong giáo lý Phật giáo. Bác sống và hành động không vì riêng mình, mà vì “tất cả chúng sinh”, đó là nhân dân, dân tộc và cả nhân loại.
(Ảnh: Internet)
Tình yêu thương vô hạn ấy gợi nhắc đến câu kinh: “Như đất không chê bỏ vật dơ bẩn, như nước rửa sạch bụi nhơ…” - (Kinh Pháp Cú).
Bác là hiện thân của tình thương bao dung, như đất, như nước, ôm ấp và chở che muôn người và cả dân tộc.
Hai câu hát tiếp theo:
“Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân
Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam”
Qua hai câu hát ấy, dường như ta thấy rõ hạnh nguyện phục vụ, hy sinh vì lợi ích của số đông. Bác từ chối mọi đặc quyền, sống giản dị, suốt đời vì nước, vì dân.
Như Bồ Tát Quán Thế Âm lắng nghe tiếng khổ của chúng sinh mà đến cứu độ, Bác Hồ cũng không ngơi nghỉ trước nỗi đau của dân tộc.
(Ảnh: Internet)
Còn nhớ năm 1946, khi đất nước đứng trước hiểm họa chiến tranh, Bác đã gửi thư kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Từng câu chữ trong bức thư ấy, vừa đầy quyết tâm, vừa đong đầy tình yêu nước, vẫn còn vang vọng đến hôm nay:
“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946!
Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng.
Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!
Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!.*
Bức thư như một lời hiệu triệu: khi đất nước lâm nguy, tất cả đều phải sẵn sàng đứng lên. Âm hưởng từng chữ, từng câu, mạnh mẽ mà đầy từ tâm vẫn còn chấn động lòng người.
Tâm từ của Bác được thể hiện rất rõ qua hai câu hát:
“Bác thương các cụ già, xuân về dâng biếu lụa
Bác thương đàn cháu nhỏ, trung thu gửi cho quà”.
Bác luôn quan tâm đến từng chi tiết đời sống, từ những cụ già lão thành cho đến các em nhỏ thơ ngây. Không ai bị bỏ quên trong trái tim đầy nhân ái.
(Ảnh: Internet)
Bác là hiện thân của lòng hiếu đạo, của tình từ mẫu. Mỗi dịp Tết cổ truyền, Bác đều gửi áo lụa tặng các cụ già. Và không năm nào Bác quên nhắc nhở các địa phương: “Đồng bào nghèo có gì sắm Tết, vui Xuân?”.
Một câu hỏi vừa giản dị, vừa ấm lòng, thể hiện tấm lòng yêu thương không biên giới của Người…
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng xúc động khi đọc lại những tài liệu, câu chuyện về Bác. Như vào tháng 6 năm 1957, trong chuyến về thăm quê hương, Bác đã đích thân tặng cụ Nguyễn Văn Uy ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, một chiếc áo lụa mừng thọ cụ tròn 70 tuổi. Một món quà nhỏ nhưng chan chứa nghĩa tình sâu nặng.
(Ảnh: Internet)
Các cháu thiếu niên, nhi đồng, dịp Tết Trung thu được nhận quà, có khi chỉ là chiếc kẹo, chiếc bánh nhỏ, nhưng chứa đựng tình thương vô hạn của Bác Hồ - Người cha già dân tộc.
Tình thương ấy của Bác không chỉ là lòng nhân hậu của một vị lãnh tụ, mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần hiếu dưỡng và từ ái trong phật pháp. Trong Kinh Thiện Sinh có dạy: “Trong tất cả các hạnh lành, hiếu hạnh là trên hết”.
Người hiếu hạnh là người gieo trồng gốc thiện lành vững chắc nhất. Mà Bác Hồ, trong suốt cuộc đời vì nước, vì dân, chưa bao giờ quên hỏi han người già, chăm lo trẻ nhỏ, nghĩ đến những mảnh đời còn vất vả, đó chính là tâm đại từ, đại bi, của lòng hiếu đạo viên dung.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy: “Ai biết kính trọng người già cả, người ấy sẽ được thọ mạng, sắc đẹp, an lạc và sức mạnh”.
Bác không chỉ kính già, yêu trẻ, mà còn khơi dậy truyền thống ấy trong lòng mỗi người dân Việt Nam, để lòng hiếu kính lan tỏa và trở thành truyền thống văn hóa cao đẹp, đạo đức trong đời sống hằng ngày.
Tiếp đến, tình thương không biên giới của Bác dành cho những người âm thầm hy sinh vì Tổ quốc được khắc họa sâu đậm qua hai câu hát:
“Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng
Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương”
Đó là chị dân công hỏa tuyến, đó là những người vất vả gùi gạo, vác đạn, băng rừng, lội suối, ngủ sương nằm đất. Người lính biên cương, những chiến sĩ ngày đêm canh giữ bình yên nơi rừng núi xa xôi. Bác luôn nghĩ tới họ, như một người cha lo cho đàn con dấn thân giữa gian khổ. Bác chưa từng yên giấc khi nhân dân còn cực nhọc, đất nước chưa yên bình.
(Ảnh: Internet)
Tình thương ấy thấm đẫm tinh thần Phật giáo: “Như mẹ hiền thương con một, Tâm từ trải khắp muôn loài” (- Kinh Từ Bi).
Còn gì cao cả hơn khi tình thương ấy không chỉ ở lời nói, mà là ở từng hành động, từng bức thư, từng lời hỏi thăm ân cần:
“Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương
Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn tình thương”
Đó không phải những bức thư mang tính hình thức, mà là lời dạy, lời động viên, lời sẻ chia đầy chân thành, như ánh sáng giữa đêm đông, như dòng suối mát giữa trưa hè. Cũng như chư Phật, chư Bồ Tát thường hiện thân trong muôn hình vạn trạng để hóa độ, thì tình thương nơi Bác cũng đến bằng mọi cách: thư tay, cuộc gặp, hay ánh mắt, cái bắt tay ấm áp.
(Ảnh: Internet)
Dẫu là người đứng đầu một quốc gia, Bác Hồ chưa từng giữ cho mình bất kỳ đặc quyền hay tài sản riêng nào. Câu hát đã nói thay tấm lòng dân tộc:
“Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư
Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam”
Cả đời Bác chỉ có vài vật dụng giản dị: bộ quần áo kaki đã sờn vai, đôi dép cao su mòn gót và ngôi nhà sàn đơn sơ giữa vườn cây xanh mát. Đó không chỉ là biểu tượng của một đời sống thanh bạch, mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần “xả ly”, hạnh “vô ngã” - những giá trị cốt lõi trong đạo Phật.
(Ảnh: Internet)
Như lời dạy trong Kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” - Tâm không vướng mắc thì tình thương mới rộng mở bao la.
Cuộc đời Bác như đóa sen nở giữa bùn, hương thơm không chỉ lan tỏa trong tâm hồn người Việt, mà còn in sâu trong trái tim bạn bè năm châu. Đó là đạo đức, là phong cách sống mà mỗi chúng ta có thể học theo, để sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn từng ngày.
Bác đến với dân tộc ta như ánh sáng bừng lên giữa đêm dài tăm tối. Như mùa Xuân đầu tiên sau những năm tháng khô cằn, lạnh lẽo của chiến tranh và đói nghèo.
“Bác đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh
Bác đem mùa xuân về dâng hoa đẹp cho đời”
Hình ảnh Bác ở đây không chỉ là người lãnh đạo, mà là biểu tượng của trí tuệ và tình thương. Ánh sáng mà Bác mang đến cũng là ánh sáng của sự thức tỉnh, của hy vọng mới, của niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là ánh sáng của Chân - Thiện - Mỹ.
(Ảnh: Internet)
Đức Phật từng dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Ba thứ không thể che giấu lâu dài: mặt trời, mặt trăng và chân lý”. Cuộc đời Bác chính là biểu hiện sống động của một chân lý vĩnh hằng: sống vì người, vì lý tưởng, không màng danh lợi, không vướng bụi trần.
Và hình ảnh Bác lại được khắc họa đầy gần gũi qua những lời ca tha thiết:
“Bác như bài dân ca ru em bé vào đời
Bác như vì sao sáng, sáng giữa trời bao la
Như cánh chim không mỏi, bay khắp trời Việt Nam”
Một bài ca mộc mạc, chan chứa ân tình, cũng chính là tâm hồn Bác: giản dị mà sâu sắc, hiền lành mà thấm đượm yêu thương. Một vì sao sáng, lặng lẽ soi đường trong đêm tối. Một cánh chim không biết mỏi, đi hết miền xuôi đến miền ngược, chỉ để lắng nghe dân mình, để nâng đỡ những phận người còn cơ cực. Không vì bản thân, mà chỉ vì một điều duy nhất:“Độc lập cho dân tộc, Hạnh phúc cho nhân dân”.
(Ảnh: Internet)
Đó cũng chính là tinh thần Bồ Tát hạnh trong đạo Phật, từ bi không phân biệt, hy sinh không toan tính: “Dù biết là không thể cứu hết chúng sinh, nhưng vẫn nguyện độ khắp muôn loài.”
Vì vậy:
“Xin khắc sâu ơn Người trong tấm lòng Việt Nam”
Không chỉ là lời ca, mà như lời nguyện của cả dân tộc.
Nhớ Bác - không chỉ để tri ân, mà là để tiếp nối con đường Bác đã đi.
Nhớ Bác - là thắp sáng trong tim ngọn lửa sống vì người khác.
Nhớ Bác - là giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhớ Bác - là thực hành lý tưởng sống đẹp, sống có ích giữa đời thường.
Nhớ Bác - là học cách làm người tử tế, giản dị và bao dung.
Học Bác - là học lòng thương không giới hạn.
Học Bác - là học cách sống thanh cao, không vướng bụi trần.
Học Bác - là tu thân, hành đạo giữa đời thường, ngay từ những điều nhỏ bé nhất.
Và cũng chính từ đó, ta hiểu rằng: tưởng nhớ Bác không chỉ bằng hoa, bằng nhạc, mà bằng chính sự nỗ lực noi gương Người trong đời sống hôm nay: sống đơn giản, làm việc vì dân, rèn luyện đạo đức, tránh xa lợi danh, phụng sự cộng đồng.
(Ảnh: Internet)
Ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” vì thế không chỉ là một bản nhạc, mà là một bài thiền ca giữa đời sống.
Tác giả: Thường Nguyên
*Tham khảo: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/loi-keu-goi-toan-quoc-khang-chien-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ngay-19-12-1946-493196
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/bac-ho-mot-tinh-yeu-bao-la.html