TẤM GƯƠNG VỀ LÒNG YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về lòng yêu thương con người. Tình yêu thương của Bác là cụ thể, từ việc lớn như giải phóng con người cho đến việc chăm lo từng con người cụ thể. Về giải phóng con người, chúng ta thấy trong suốt cuộc đời của Người, với nhân dân Việt Nam, Người gửi lời nhắn nhủ đầy tâm huyết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1965.
Người luôn dành tình yêu thương cho tất cả mọi người, đồng thời chia sẻ với mỗi người những nỗi đau của họ. Người nói: Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và khi gộp cả những nỗi đau khổ riêng đó lại thì thành nỗi đau của tôi”. Một lãnh tụ dân tộc đã thấu hiểu nỗi đau của đồng bào như thế và gánh nỗi đau đó cho riêng mình.
Đọc lời tâm huyết này, mọi người đều xúc động trước tấm lòng thương nhân dân của Bác. Yêu thương con người trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ta, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất, nó thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân trong quan hệ xã hội. Người quan tâm, chú ý tới mọi đối tượng, đặc biệt là những người già, trẻ em, phụ nữ và những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Yêu thương con người thể hiện trước hết là tình yêu thương với đại đa số nhân dân, những người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột. Phải làm mọi việc để phát huy sức mạnh của mỗi người, đoàn kết để phấn đấu cho đạt được mục tiêu “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Lòng yêu thương con người của Người còn được mở rộng với tình yêu thương nhân loại.
Đó cũng là những con người bị áp bức, bóc lột, những con người nghèo khổ trên toàn thế giới, đặc biệt là người dân thuộc địa “bốn phương vô sản đều là anh em”. Trên hành trình tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành luôn hòa mình vào cuộc sống của những người lao động nghèo khổ của các dân tộc trên thế giới, kiếm sống bằng nghề lao động bình thường như: Phụ bếp, chép tranh, cào tuyết...
Chính vì vậy, Người hiểu nỗi vất vả của người lao động và dành cho họ tình yêu thương bao la. Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, tình yêu thương đối với người lao động càng được vun đắp, Người càng quan tâm, gần gũi, không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ và quần chúng.
YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI THÌ PHẢI TIN VÀO CON NGƯỜI
Tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện đối với những người có sai lầm, khuyết điểm nhưng biết nhận rõ sai lầm và cố gắng sửa chữa. Người cho rằng, ai cũng có sai lầm, khuyết điểm; có làm thì có sai; không sợ sai mà chỉ sợ thấy sai mà không sửa.
Do vậy, tùy từng việc làm, nguyên nhân và mức độ sai lầm mà có biện pháp giải quyết cho hợp tình, hợp lý. Với tình yêu thương đó, Người lên án mạnh mẽ tội ác giết người của chủ nghĩa thực dân. Người chỉ rõ: “Lịch sử người châu Âu xâm chiếm châu Phi cũng như bất cứ cuộc xâm chiếm thuộc địa nào thì từ đầu đến cuối đều viết bằng máu người bản xứ”.
Cuộc đời Bác Hồ thật thanh cao, giản dị, không màng danh lợi, không một chút riêng tư. Tình yêu thương con người của Bác không đơn thuần là sự thừa hưởng truyền thống của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự lắng đọng sâu sắc của tất cả những gì Bác đã trải qua trong cuộc đời, chứng kiến và cảm nhận trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước cũng như trong cả sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người và nó vượt qua mọi giới hạn để trở thành phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất của con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về mọi mặt: Lối sống, suy nghĩ.. và nhất là đạo đức và tình yêu thương, bao dung với mọi người xung quanh. Những điều tốt đẹp ở Người đã vượt trên cả khái niệm, quan điểm về đạo đức trong đời thường. Không chỉ đơn thuần là những hành vi đẹp, mang lại niềm vui, sự hài lòng cho người khác, mà đó còn là lòng bác ái, luôn mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất đến cho mọi người.
Những điều mà Bác để lại cho cuộc đời đều là những điều quý giá, tốt đẹp mà bất cứ ai khi được nghe, đọc đều cảm thấy nể phục, quý mến. Tình yêu thương con người nói chung, với nhân dân Việt Nam nói riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm đượm và đi vào lòng các thế hệ mai sau, nhất là khi nghe những mẩu chuyện kể về Người.
Yêu thương con người là một phẩm chất cao đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi phải có trong đạo đức cách mạng. Nếu không có tình yêu thương con người thì không thể nói đến cách mạng, càng không thể nói đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1946, trước khi đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư căn dặn các chiến sĩ và nhân dân Nam bộ rằng: “Đối với những người lính Pháp bị bắt, phải chú ý hai điều: Một là, phải canh phòng cẩn mật, hai là, phải đối xử nhân đạo với họ, để cho nhân dân Pháp hiểu rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc văn minh, văn minh gấp trăm lần bọn xâm lược nước ta”.
Yêu thương con người thì phải tin vào con người. Với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì khoan dung, độ lượng, rộng rãi, nâng con người lên, kể cả với những người lầm đường, mắc sai lầm, khuyết điểm. Tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tình cảm quý trọng con người mà còn là lòng tin vững chắc vào những phẩm chất tốt đẹp của con người.
Có thể nói, tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng con người trước hết là ở sự khẳng định con người cần được sống cuộc sống của một con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Yêu thương con người là phải biết nâng con người lên, làm cho cái tốt, cái thiện trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu và cái ác mất đi dần và đi đến bị loại trừ hoàn toàn”.
Lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu trong con người của Bác là sự kế thừa các yếu tố truyền thống của dân tộc và phát triển cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới của đất nước và xu thế của thời đại. Người từng nói: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người…”. Như vậy, lòng khoan dung, nhân ái trong Bác không chỉ dừng lại ở việc đấu tranh giành quyền con người mà còn chỉ ra con đường tiếp theo để thực hiện cao nhất quyền con người ấy.
Yêu thương con người vận dụng vào trong Đảng, trong tổ chức là phải “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây chính là điều nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người.
Đó là sự thương yêu trên nguyên tắc dân chủ tập trung, tự phê bình và phê bình một cách chân thành, nghiêm túc giữa những người cùng lý tưởng, cùng phấn đấu cho sự nghiệp chung. Nó hoàn toàn xa lạ với thái độ “dĩ hòa vi quý”, bao che sai lầm khuyết điểm cho nhau, càng xa lạ với thái độ “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, bè cánh có thể đưa đến những tổn thất lớn cho Đảng, cho cách mạng.
Trước lúc đi xa, Bác vẫn đau đáu nỗi niềm chăm lo cho nhân dân và hơn hết là dành tình yêu bao la để lại cho toàn thể dân tộc ta: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Chỉ có Bác Hồ kính yêu mới có tình yêu thương mênh mông, bao la dành cho mọi kiếp nhân sinh.
LÊ VĂN TÝ