Buổi gặp mặt được tổ chức trọng thể tại Hội trường tỉnh.
Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội; đại biểu nguyên là Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh, các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh; đại biểu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; đại biểu cán bộ cao cấp Quân đội đã nghỉ hưu, nghỉ công tác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Các đại biểu dự buổi gặp mặt.
Diễn văn ôn lại truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình trình bày tại chương trình nêu rõ: Cách đây 80 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn khai mạc.
80 năm qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của Nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, thành quả cách mạng và chế độ XHCN, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trải qua 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.
LLVT tỉnh Bắc Kạn luôn là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân.
77 năm về trước, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã chủ trương thành lập các tỉnh đội bộ dân quân ở các địa phương, làm tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng lực lượng, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 13/4/1947 tại đồi Độc Lập (thị xã Bắc Kạn) Ban chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân tỉnh Bắc Kạn được thành lập.
Sự ra đời của Tỉnh đội Bộ dân quân (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của lực lượng vũ trang Bắc Kạn. Từ đây, tỉnh Bắc Kạn có cơ quan tham mưu phụ trách công tác quân sự địa phương, giúp cấp ủy, chính quyền củng cố và phát triển lực lượng, xây dựng các kế hoạch tác chiến, làm nòng cốt trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.
Ngay sau khi được thành lập, Tỉnh đội Bộ dân quân đã bắt tay ngay vào việc xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng. Ngày đầu thành lập dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khoảng 2 tháng sau, toàn tỉnh đã xây dựng được 17 đại đội dân quân, du kích với 1.500 cán bộ, chiến sĩ, được trang bị vũ khí tương đối đầy đủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Với việc phát triển nhanh về tổ chức và lực lượng đã giúp cho lực lượng vũ trang Bắc Kạn có đủ sức mạnh cùng các địa phương khác bẻ gãy “gọng kìm” của thực dân Pháp tấn công lên Việt Bắc, làm nên chiến thắng Thu - Đông năm 1947. Sau chiến thắng này, lực lượng vũ trang tỉnh ta lớn mạnh không ngừng, tiếp tục lập nhiều chiến công vang dội, trong đó có trận công đồn Phủ Thông… khiến thực dân Pháp phải rút khỏi Bắc Kạn.
Phát huy tinh thần tiến công của cách mạng, lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn tiếp tục cùng cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Trong cuộc kháng chiến của dân tộc, Bắc Kạn đã không tiếc sức người, sức của. Đã có hơn 8.000 con em đồng bào các dân tộc Bắc Kạn lên đường chiến đấu, hơn 2.000 người trong số đó đã hy sinh vì độc lập - tự do và thống nhất của đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, LLVT tỉnh cùng với Nhân dân nhanh chóng tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, củng cố xây dựng lực lượng. Tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc.
Với thành tích trên, tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Về truyền thống Ngày hội quốc phòng toàn dân, 35 năm qua, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân được nâng cao. Phong trào toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của tỉnh phát triển mạnh mẽ. “Thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc, góp phần giữ vững ổn định tình hình địa bàn.
Phóng sự chiếu tại buổi gặp mặt và các ý kiến phát biểu đã làm sâu sắc thêm vai trò, đóng góp to lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, LLVT tỉnh nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, quê hương.
Phát biểu bế mạc buổi gặp mặt, đồng chí Đinh Quang Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của LLVT tỉnh, các gia đình chính sách, người có công đối với nền độc lập - tự do của dân tộc, sự phát triển của quê hương. Buổi gặp mặt là dịp để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn tri ân, đồng thời khơi lên niềm tự hào truyền thống quê hương cách mạng, cùng quyết chí, đồng lòng vượt mọi khó khăn xây dựng tỉnh ngày một phát triển./.
Xuân Nghiệp