Bắc Kạn: Phát triển rừng gắn với bảo tồn

Bắc Kạn: Phát triển rừng gắn với bảo tồn
6 giờ trướcBài gốc
Người dân và cán bộ kiểm lâm địa bàn kiểm tra tại rừng nghiến Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ.
Với diện tích hơn 15.000ha, Kim Hỷ (Na Rì) là khu rừng đặc dụng lớn nhất tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây vẫn còn giữ được diện tích lớn rừng nguyên sinh với nhiều loài cây quý như nghiến, trai, đinh… và các loài động vật hoang dã quý hiếm như voọc má trắng, rùa, sóc, cầy vòi… cùng nhiều cây thuốc quý.
Tuy nhiên, cuộc sống của người dân trong vùng lõi và vùng đệm khu bảo tồn vẫn còn nhiều khó khăn. Trước đây, không ít hộ sống dựa vào rừng, từ chặt cây, đốt nương đến săn bắt thú rừng. Nhưng từ năm 2021, khi chính sách giao khoán bảo vệ rừng được triển khai rộng rãi, tình trạng này đã giảm rõ rệt. Gần đây là Nghị định số 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ nâng mức hỗ trợ lên 500.000 đồng/ha/năm và 50 triệu đồng/thôn/năm, giúp người dân yên tâm lao động, không còn phải mưu sinh bằng cách xâm hại rừng.
Ông Đặng Văn Hải, Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ cho biết: “Hằng năm, chúng tôi phối hợp tuyên truyền và ký hợp đồng giao khoán với các thôn. Nếu để xảy ra phá rừng, thôn sẽ không được nhận tiền hỗ trợ. Năm 2024, có 38/41 thôn được nhận, 03 thôn vi phạm nên bị cắt”. Theo ông Hải, dù mức hỗ trợ chưa lớn, nhưng ý nghĩa rất rõ ràng, rừng giờ đây không còn là tài sản vô chủ, mà là trách nhiệm chung của cộng đồng.
Những cây nghiến cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tại Khu bảo tồn Loài-sinh cảnh Nam Xuân Lạc.
Là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, đạt hơn 73%, Bắc Kạn đang đi đầu trong thực hiện bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã giao khoán hơn 138.000ha rừng cho hơn 12.800 hộ dân và 744 cộng đồng thôn, bản. Song song với bảo vệ rừng tự nhiên, Bắc Kạn đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn như mỡ, keo, quế, kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng như sa nhân, bách bộ, kim tiền thảo, khôi nhung tía…
Đồi quế của một hộ dân xã Kim Lư (Na Rì) đang phát triển tốt. Trong ảnh: Cán bộ kiểm lâm huyện Na Rì đo đường kính của cây quế.
Toàn tỉnh hiện có hơn 86.000ha rừng trồng đã thành rừng và hơn 46.000ha đang phát triển. Những đồi trọc ngày nào giờ đã phủ xanh bởi rừng quế, rừng keo, rừng mỡ thẳng tắp. Dưới tán rừng, bà con canh tác thêm cây thuốc quý, tạo thêm sinh kế, bảo vệ đất và giữ nước.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác giữ rừng vẫn còn không ít khó khăn. Một số nơi vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn đất, khai thác gỗ trái phép. Mặt khác, việc tiếp cận thị trường xuất khẩu gỗ còn gặp trở ngại do nhiều vùng trồng rừng chưa đạt tiêu chuẩn chứng chỉ FSC về quản lý rừng bền vững.
Những cây gỗ quý tại Khu bảo tồn loài- sinh cảnh Nam Xuân Lạc được gắn biến số thứ tự để thuận lợi cho việc quản lý, theo dõi.
Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết: “Ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các địa phương để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp và thúc đẩy cấp chứng chỉ FSC để nâng cao giá trị rừng trồng”./.
Thu Trang
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/bac-kan-phat-trien-rung-gan-voi-bao-ton-post70588.html